
Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) – công cụ đánh giá lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưu tiên theo dõi, đã tăng 2,3% trong 12 tháng tính đến hết tháng 3. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ mùa thu năm ngoái. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE lõi tăng 2,6%.
Con số này không gây bất ngờ với các nhà phân tích, bởi các dữ liệu kinh tế được công bố sớm hơn trong tháng đã giúp họ đưa ra dự đoán tương đối chính xác. Tuy nhiên, số liệu mới chưa phản ánh tác động của các mức thuế mới, bao gồm mức thuế 10% được áp dụng chung và các loại thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, vốn chỉ bắt đầu được triển khai từ đầu tháng 4.
Phần lớn các nhà kinh tế dự đoán giá cả sẽ tăng trở lại trong những tháng tới do ảnh hưởng từ thuế quan. Tuy nhiên, quan điểm của họ vẫn còn chia rẽ về việc liệu mức lạm phát này sẽ kéo dài bao lâu. Một số nhà đầu tư cho rằng thuế quan sẽ khiến chi phí hàng hóa cao hơn nhưng đồng thời lại kìm hãm tốc độ tăng trưởng, từ đó hạn chế đà tăng của giá cả.
Ngoài dữ liệu lạm phát, các chỉ số kinh tế khác công bố cùng ngày cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn giữ được sức mạnh trong quý đầu năm, bất chấp những bất ổn từ thương mại. GDP giảm nhẹ trong quý I, nhưng doanh số bán hàng cho người tiêu dùng trong nước – thước đo loại bỏ tác động từ thương mại, lại tăng trưởng ổn định.
Trong tháng trước, chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng 0,7%, trong khi tổng chi tiêu cá nhân tăng 0,5%. Đây là dấu hiệu cho thấy người dân vẫn chi tiêu mạnh tay dù bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Các nhà hoạch định chính sách của Fed sẽ theo dõi sát sao các số liệu trong những tháng tới để đánh giá liệu đợt tăng giá do thuế quan có tác động kéo dài hay chỉ là tạm thời – yếu tố then chốt để xác định lộ trình điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới.
Tham khảo WSJ