Ca mổ đặc biệt giúp nữ bệnh nhân thoát khỏi khối u khổng lồ trên mặt

() - Để loại bỏ khối u khổng lồ trên khuôn mặt người phụ nữ 67 tuổi, các bác sĩ đã thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ, áp dụng kỹ thuật chuyên môn cao và truyền tới 49 đơn vị máu cho bệnh nhân.

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, các bác sĩ vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật loại bỏ khối u khổng lồ trên khuôn mặt của nữ bệnh nhân L.T.Đ., trú tại xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.

Bà Đ. mắc phải u máu má thái dương phải bẩm sinh, từng đi điều trị tại nhiều bệnh viện nhưng chưa có phương pháp điều trị triệt để.

Từ năm 2022, khối u phát triển nhanh chóng, gây chảy máu nhiều lần, buộc bà phải nhập viện điều trị và thực hiện phương pháp nút mạch tới 7 lần.

Ca mổ đặc biệt giúp nữ bệnh nhân thoát khỏi khối u khổng lồ trên mặt - 1Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Đầu tháng 4, bà Đ. được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới trong tình trạng khối u lớn, chảy máu nhiều và có dấu hiệu hoại tử.

Qua thăm khám, các bác sĩ xác định khối u có kích thước 15x9cm, viêm nhiễm lan rộng, chèn ép và bào mòn nhiều cấu trúc xương vùng mặt, tiên lượng bệnh nặng, mất máu, cần phẫu thuật cấp cứu.

Nhận định đây là một ca phức tạp, bệnh viện đã tổ chức hội chẩn toàn viện với sự tham gia của nhiều bác sĩ, chuyên gia đầu ngành.

Sau khi phân tích kỹ lưỡng và nhận được sự đồng thuận từ gia đình bệnh nhân, các bác sĩ đã phẫu thuật cấp cứu theo 3 giai đoạn: thắt mạch máu, cắt bỏ khối u và tạo hình vùng tổn thương.

Ca mổ đặc biệt giúp nữ bệnh nhân thoát khỏi khối u khổng lồ trên mặt - 2Sau ca phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân dần ổn định và tiếp tục được điều trị (Ảnh: Nhật Anh).

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, đây là ca phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao và sự cẩn trọng trong từng bước. Sự thành công của ca phẫu thuật đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác điều trị của bệnh viện.

"Ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ, bệnh nhân phải truyền đến 49 đơn vị máu - một con số khổng lồ, gần gấp 3 lượng máu cơ thể bình thường. Kíp mổ thậm chí phải dùng xi lanh để bơm máu trực tiếp cho bệnh nhân", bác sĩ Cường chia sẻ.

Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của bà Đ. dần ổn định, đã có thể ăn uống và nói chuyện.