Trong những ngày nước Mỹ tưng bừng chuẩn bị cho lễ Quốc khánh 4/7, người đàn ông Trung Quốc tên Adam Dai luôn tất bật quan sát xem người dân Mỹ thích xem pháo hoa như thế nào.
Với Adam Dai, nắm bắt nhu cầu của khách hàng Mỹ đã trở thành công việc chính và chính điều đó đã giúp công ty Miracle Fireworks của ông phát triển vượt bậc.
Miracle Fireworks đặt trụ sở tại thành phố Liuyang (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc), nơi được xem là "thủ phủ pháo hoa" của thế giới, chiếm tới 60% sản lượng xuất khẩu pháo hoa và pháo nổ của Trung Quốc. Tại đây, hơn 400 nhà máy sản xuất pháo hoa hoạt động liên tục.
Miracle Fireworks nổi bật với các sản phẩm đầy tính biểu tượng của nước Mỹ như "Liberty Shells" bắn ra màu cờ đỏ trắng xanh, "Maximum Machine Gun" với 388 phát đạn pháo liên tiếp, hay "All Trumped Up" gồm 95 loạt pháo gợi nhớ tới cựu Tổng thống Donald Trump.

Adam Dai, chủ nhà máy pháo hoa Miracle Fireworks.
Dù vậy, những năm gần đây, Adam Dai phải đối mặt với một thử thách hoàn toàn mới: cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đỉnh điểm là hồi tháng 4 vừa qua, thuế nhập khẩu pháo hoa từ Trung Quốc vào Mỹ đột ngột tăng lên mức hơn 140%, khiến ngành công nghiệp pháo hoa rơi vào khủng hoảng chưa từng thấy.
Theo Stacy Schneitter Blake, Chủ tịch Hiệp hội Pháo hoa Quốc gia Mỹ (NFA), tình trạng này khiến nhiều đơn hàng bị đình trệ, giá thành sản phẩm tăng vọt, buộc các nhà tổ chức sự kiện công cộng phải chi trả nhiều hơn để duy trì những màn pháo hoa hoành tráng. Mặc dù thuế sau đó được điều chỉnh giảm xuống dưới 40%, ngành công nghiệp pháo hoa Mỹ vẫn thấp thỏm lo âu trước nguy cơ thuế có thể leo thang trở lại bất cứ lúc nào.
Mối lo ngại hiện tại tập trung vào năm 2026, khi nước Mỹ kỷ niệm 250 năm ngày Quốc khánh Mỹ. Theo dự đoán, nhu cầu pháo hoa sẽ cao chưa từng có. Các nhà sản xuất pháo hoa như Adam Dai thường phải chuẩn bị từ rất sớm, lên kế hoạch cả năm trời, nhưng nỗi sợ thuế quan tăng cao đang khiến họ ngần ngại.
Tháng này, hai hiệp hội pháo hoa lớn nhất nước Mỹ là APA và NFA sẽ có mặt tại Washington để vận động chính phủ duy trì mức thuế thấp. Trong khi đó, Adam Dai cùng các nhà sản xuất Trung Quốc khác đang cân nhắc giữa việc đặt cược lớn vào thị trường Mỹ hoặc thu hẹp sản xuất, chờ đợi tình hình rõ ràng hơn.
Thực tế, Mỹ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc trong ngành pháo hoa: 99% pháo hoa tiêu dùng và 75% pháo hoa trình diễn của Mỹ nhập từ Trung Quốc. Các nhà sản xuất Mỹ gần như biến mất từ những năm 1980 vì chi phí lao động cao, quy định an toàn ngặt nghèo và cạnh tranh quá mạnh từ hàng Trung Quốc giá rẻ.

Cơ duyên của Adam Dai với ngành pháo hoa rất tình cờ. Ông từng ước mơ trở thành cảnh sát nhưng thị lực kém đã buộc ông chuyển hướng sang kinh doanh pháo hoa. Ban đầu, ông làm việc như một nhân viên bán hàng bình thường, thậm chí chưa từng đặt chân tới Mỹ.
Để nâng cao vốn tiếng Anh, Adam đọc to những email của khách hàng, ghi nhớ từng cụm từ và vận dụng thành ngữ Mỹ mà ông thấy thú vị. Từ năm 2010, ông bắt đầu thường xuyên tới Mỹ, tìm hiểu văn hóa bản địa và chú ý những xu hướng giải trí mới như thể thao và phim ảnh.
Miracle Fireworks nhanh chóng xây dựng hình ảnh là một thương hiệu thân thiện, sặc sỡ sắc màu văn hóa Mỹ. Những sản phẩm liên quan tới Tổng thống Trump luôn bán chạy hơn hẳn so với các sản phẩm liên quan tới cựu Tổng thống Obama và Biden.
Tuy nhiên, khi thuế nhập khẩu nhảy vọt lên 145%, khách hàng Mỹ đồng loạt đề nghị Miracle ngừng giao hàng hoặc giảm giá. Adam Dai từ chối giảm giá vì biên lợi nhuận của ông đã rất thấp, chỉ từ 5% đến 13%. Kết quả là, khoảng 30 container hàng trị giá 1,2 triệu USD đang bị tồn kho chưa thanh toán.
Đối diện với tương lai bất ổn, ngành công nghiệp pháo hoa của cả hai nước đều khẳng định sản xuất pháo hoa ở Mỹ gần như là bất khả thi. APA và NFA trong thư gửi Bộ trưởng Thương mại Mỹ khẳng định rằng Mỹ thiếu nguyên liệu quan trọng, chi phí nhân công đắt đỏ và luật pháp nghiêm ngặt khiến việc hồi hương ngành pháo hoa khó thành hiện thực.
Dẫu vậy, Adam Dai vẫn đặt niềm tin vào thị trường Mỹ, đặc biệt trong dịp kỷ niệm trọng đại 250 năm vào năm 2026. Công ty ông đang lên kế hoạch tung ra 15 mẫu sản phẩm mới, trong đó có pháo hoa với đúng 250 phát bắn và loại pháo lấy cảm hứng từ hệ thống phòng thủ tên lửa "Golden Dome" mà Mỹ đang cân nhắc triển khai.
Tháng 8 này, Adam sẽ tiếp tục tới Mỹ gặp gỡ khách hàng, mang theo hy vọng rằng thương hiệu Miracle Fireworks của ông sẽ có mặt tại tất cả 50 tiểu bang của nước Mỹ, mở rộng từ con số 37 hiện tại.
Tham khảo WSJ