"Chúng tôi muốn Long Thành không chỉ là sân bay hiện đại mà là đô thị sân bay thế hệ mới, hình thành cặp đô thị song sinh với Tp.HCM, cùng chia sẻ động lực phát triển toàn vùng", chia sẻ của Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Huỳnh Tấn Lộc tại hội thảo ‘Thúc đẩy kết nối Long Thành – Tp.HCM’ mới đây.
Về vấn đề kết nối, ông Lộc cho biết thêm, tỉnh Đồng Nai xác định hạ tầng đô thị hiện đại là nền tảng kiến tạo 'đô thị song sinh'. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có các công trình hạ tầng trọng điểm đang được đồng loạt quy hoạch, triển khai như (i) nhóm cao tốc và đường vành đai, (ii) nhóm giao thông công cộng hiện đại có các tuyến đường sắt đô thị (metro) kết nối Long Thành - Tp.HCM - Biên Hòa - Thủ Đức; và (iii) nhóm hạ tầng logistics chiến lược….

Ảnh: Ông Huỳnh Tấn Lộc - Phó giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai.
Long Thành – từ một sân bay trở thành đại đô thị tích hợp
Trong đó, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có diện tích hơn 3.000ha được xác định là dự án chiến lược quốc gia, đồng thời là động lực thúc đẩy phát triển toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cảng nằm tại trung tâm liên kết của trục Tp.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu - Bình Dương.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai, nhấn mạnh sau khi dự án sân bay Long Thành đi vào hoạt động sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho khu vực lân cận sân bay như Đồng Nai, Tp.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn cả khu vực Đông Nam Bộ và các tính phía Nam.
Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã xác định các vị trí dự kiến thực hiện đầu tư khai thác theo mô hình TOD với quy mô khoảng 850ha. Bên cạnh đó, trong phạm vi 5.000ha, sân bay Long Thành theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt cũng có các khu vực chức năng như thành phố sân bay, khu công nghiệp sân bay, trung tâm điều hành các hãng bay.
Một điểm nhấn quan trọng là hình thành khu đô thị thương mại tự do tại vùng lõi phát triển, được quy hoạch với 4 khu (khu thương mại tự do xanh khoảng 3.000ha, khu chức năng logistics khoảng 2.200ha; khu dịch vụ tài chính thương mại dịch vụ khoảng 1.500ha; khu nghiên cứu đổi mới sáng tạo công nghệ thông tin gần với mô hình khu thương mại tự do số khoảng 1.419ha.

Ảnh: Ông Võ Tấn Đức - Chủ tịch UBND Tỉnh Đồng Nai.
“Sân chơi” mới cho các “đại gia” bất động sản Gamuda Land, Novaland, Đất Xanh…
Theo dự báo của các chuyên gia, khi sân bay và hạ tầng hoàn chỉnh, khu vực này có thể thu hút 200.000–500.000 việc làm, với thu nhập bình quân đạt ít nhất 15.000 USD/năm và “siêu đô thị sân bay” này sẽ có hơn 1 triệu dân trong vòng 20 năm tới. Trong đó, phần lớn dân số là lực lượng lao động trình độ cao, chuyên gia hàng không, logistics, công nghệ và dịch vụ hỗ trợ. Nhu cầu nhà ở, dịch vụ và không gian sống chất lượng cao sẽ là thị trường tiêu dùng lớn và bền vững.
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là chủ đầu tư dự án đã sớm đổ về siêu đô thị này. Từ năm 2020, Tập đoàn Đất Xanh đã đầu tư dự án khu đô thị thành phố sân bay Gem Sky World với quy mô rộng 92,2ha, được phát triển trên quỹ đất trúng đấu giá của tỉnh Đồng Nai.
Hay Novaland với khu đô thị Aqua City và Nam Long với Đồng Nai Waterfront. Sau thời gian dài đình trệ do vướng mắc pháp lý, một loạt dự án bất động sản lớn tại Đồng Nai vừa có động thái mới sau khi chính quyền địa phương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch quan trọng.
Cụ thể, UBND tỉnh Đồng Nai vừa ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 đối với phân khu C4, thuộc khu vực xã Long Hưng và một phần phường Tam Phước, Tp.Biên Hòa. Phân khu này có tổng diện tích khoảng 1.500 ha, là nơi tập trung nhiều dự án thành phần do Novaland và Nam Long đầu tư phát triển.
Mới nhất, Gamuda Land cũng đánh tiếng gia nhập “sân chơi” mới này với dự án Springville, liền kề Khu công nghiệp Nhơn Trạch, ngay cửa ngõ kết nối giữa Tp.HCM và Long Thành, được biết đến là là dự án khu đô thị quốc tế. Dự án có quy mô hơn 18 ha, mật độ xây dựng chỉ 48%, mục tiêu trở thành điểm đến cư trú cho lực lượng lao động và cư dân tương lai của thành phố sân bay.
