Hiện nay, Việt Nam đang đối mặt với suy giảm tài nguyên, biến đổi khí hậu và áp lực an ninh lương thực. Trước thực trạng đó, nhiều cam kết đã được đưa ra như Net-Zero 2050, chiến lược nông nghiệp bền vững, chuyển đổi hệ thống lương thực…
Điều này đòi hỏi tái cấu trúc nông nghiệp theo hướng phát thải thấp, thích ứng khí hậu, tích hợp giải pháp thiên nhiên và nông nghiệp sinh thái. Đây là những thông tin quan trọng được đề cập tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vào chiều 16/7.
Tận dụng phụ phẩm để tái tạo giá trị mới
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed nhìn nhận, phát triển ngành lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là một xu hướng, mà là lựa chọn tất yếu để nâng cao giá trị, bảo vệ tài nguyên và tạo sinh kế bền vững cho hàng triệu hộ nông dân.

Ông Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed.
Theo ông, ngành lúa gạo không chỉ giữ vai trò then chốt trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, mà còn góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu lúa gạo thế giới. Tuy nhiên, để sản phẩm lúa gạo không chỉ nhiều mà còn có giá trị, cần có một chương trình hành động quốc gia để phát triển ngành hàng này theo mô hình tuần hoàn.
Ông đề xuất, chương trình này phải có sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhà khoa học, hợp tác xã và đặc biệt là người nông dân.
Một trong những giải pháp được ông nhấn mạnh là cần đào tạo người nông dân về sản xuất bền vững, tiết kiệm nước, giảm phát thải và biết tận dụng phụ phẩm như rơm, rạ, trấu để tái tạo giá trị mới.
Song song với đó, cần ưu tiên nghiên cứu giống lúa ngắn ngày, chống chịu tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và ít tiêu tốn tài nguyên. Đồng thời, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ cần được tiếp cận tín dụng ưu đãi, được đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý phụ phẩm để hình thành các chuỗi sản xuất khép kín từ giống, canh tác, chế biến, tái chế, tiêu thụ.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông đề xuất cần tận dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, phân chuồng, bã mía... để sản xuất phân bón hữu cơ, nhiên liệu sinh học hoặc các sản phẩm phụ trợ.
Việc này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, mà còn giúp giảm phát thải, ô nhiễm và tiến tới mô hình sản xuất khép kín.

Ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Công Nông nghiệp Tiến Nông.
Theo ông Phong, doanh nghiệp không thể tự mình chuyển đổi nếu không có một hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ. Chính sách phải rõ ràng, hành lang pháp lý phải ổn định, tín dụng xanh cần được mở rộng, hệ thống đào tạo và truyền thông cần được tăng cường để phổ biến kiến thức và kỹ năng sản xuất xanh đến từng hợp tác xã, từng người nông dân.
Ông cũng đề xuất đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ số và năng lượng tái tạo trong toàn bộ chuỗi sản xuất, đặc biệt là ở khâu chế biến và tái chế.
"Kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh chỉ có thể thành công khi được định hình như một chiến lược phát triển dài hạn, có sự đồng thuận và chung tay của cả hệ thống, từ doanh nghiệp đến người sản xuất, từ chính quyền địa phương đến các cơ quan hoạch định chính sách", ông Phong nói.
Tăng cường hỗ trợ tín dụng, đầu tư hạ tầng
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, bền vững hơn.
Theo ông Ngọc, khái niệm kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không còn mới mẻ mà đã được đề cập và thực hiện từ hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự chuyển biến về nhận thức và hành động mới thực sự rõ nét trong những năm gần đây.

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam.
"Đến giờ, nói đến kinh tế tuần hoàn thì ai cũng khẳng định một điều: đây là xu thế tất yếu. Và chính sự tất yếu đó đòi hỏi một nền sản xuất phải chuyển đổi mạnh", ông Ngọc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả và lan tỏa rộng, ông Ngọc cho rằng cần đặt khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào vị trí trung tâm.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024, phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030.
"Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào lợi ích to lớn mà quá trình chuyển đổi này có thể mang lại", ông Nguyễn Trí Ngọc nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo ông Ngọc, còn một số rào cản đang tồn tại hiện nay, như hệ thống pháp luật còn thiếu hướng dẫn cụ thể, tư duy quản lý vẫn mang tính tuyến tính, khiến các mô hình sáng tạo khó triển khai và nhân rộng.

Quang cảnh diễn đàn.
Trên cơ sở đó, ông đề xuất cho phép địa phương được tiếp cận khoa học công nghệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện xây dựng mô hình thử nghiệm.
"Thông qua các mô hình này, địa phương có thể đề xuất và hoàn thiện bộ tiêu chí kỹ thuật, từ đó làm cơ sở cho việc nhân rộng và chuẩn hóa sau này", ông Ngọc chia sẻ.
Về tài chính, ông Ngọc cho biết phần lớn doanh nghiệp nông nghiệp là nhỏ và vừa, khó tiếp cận vốn, trong khi sản xuất tuần hoàn đòi hỏi đầu tư dài hạn cho tái chế, xử lý phụ phẩm, phát triển sản phẩm sinh học… Vì vậy, rất cần các chính sách tín dụng xanh đặc thù để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này.
Đồng thời, để kinh tế tuần hoàn thực sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng là làm sao để những nội dung trao đổi tại Diễn đàn không chỉ dừng lại ở lý thuyết hay khuyến nghị, mà có thể tiếp tục lan tỏa thông qua nhiều kênh truyền thông, tiếp cận được tới người dân và doanh nghiệp một cách thực chất.
Phương Anh - Quỳnh Chi