Chống hàng giả, cần điểm ngay từ 'yếu huyệt'

Hàng giả, hàng gian gây bức xúc đã từ lâu, nay nóng lên khi cơ quan chức năng vừa khởi tố nhiều vụ gây chấn động.

Chống hàng giả, cần điểm ngay từ 'yếu huyệt' - Ảnh 1.

Hàng tấn thực phẩm chức năng giả bị cơ quan công an thu giữ - Ảnh: VTV

Thủ tướng cũng chỉ đạo lập tổ công tác đặc biệt và mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm xuất xứ hàng hóa.

Người dân dõi theo, chờ kết quả, giải pháp hữu hiệu, triệt để hơn nữa để giải quyết vấn nạn quá phiền lòng.

Tại sao phiền lòng? Vì hàng gian, hàng giả đụng đến cuộc sống của người dân. Thứ nào hàng gian, hàng giả đều có thể "nhúng tay" vào. Nó thách thức người dân mỗi ngày, thẩm thấu vào sức khỏe, niềm tin, sinh mệnh người dân và tình trạng này đã được để kéo dài quá lâu, quá sâu, quá rộng.

Kiểm tra hàng giả, thực phẩm chức năng giả: Cây kim trong bọc

Lâu nay, một số người có trách nhiệm quản lý, khi được hỏi về giải pháp của vấn nạn này, thường có chung điệp khúc đội ngũ quá mỏng, chức năng các cơ quan quản lý quá chồng chéo, nguồn nhân lực không đủ, kinh phí có hạn...

Câu "phê bình", "tự phê bình" thường nghe là "công tác quản lý chưa thật sự có hiệu quả". Thỉnh thoảng cũng xử lý một số vụ. Nhưng rồi mọi sự vẫn tiếp diễn, ngày càng ngang nhiên hơn, quy mô hơn, thách thức hơn.

Luật pháp, quy định, cơ quan chức năng của chúng ta có thật sự thiếu không? Nếu thiếu thì bổ sung, sửa đổi có khó không? Công tác quản lý "chưa thật sự có hiệu quả" hay có vấn đề gì khác?

Hãy nghe câu hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong cuộc làm việc ngày 14-5: "Tại sao có các cơ quan chức năng nhưng vẫn có tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả xảy ra? Tại sao có tình trạng để lọt hàng chục tấn hàng giả mà một thời gian dài không phát hiện khi các đối tượng có kho hàng, có cơ sở sản xuất...?".

Nhắc lại câu hỏi đó để thấy rằng đã đến lúc chống hàng gian, hàng giả, buôn lậu, gian lận không chỉ từ những món hàng, kho hàng, người sản xuất, người bán hàng cụ thể, mà phải bắt đầu từ những "yếu huyệt" trong quản lý.

Tại sao sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, bột canh giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm giả vừa bị phát hiện lại có quy mô lớn như thế, như cơ sở sản xuất, kho hàng, thậm chí quảng bá công khai trên mạng xã hội?

Tại sao nguyên cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong cùng một số cán bộ của cục này, nơi được giao gác cửa, lại có hành vi như "đồng hành, tiếp tay" cho đường dây sản xuất và buôn bán hàng trăm tấn thực phẩm chức năng giả. Vì điều gì ai cũng biết. Sự thách thức thật quá sức chịu đựng.

Vì vậy, có những "loại giả", những "yếu huyệt" phải quyết liệt chống trước. Phải "điểm" ngay, "điểm" không bỏ sót, trước khi xử lý triệt để các khâu liên quan thì mới có thể trả lời trọn vẹn các câu hỏi bức xúc từ đời sống.

Lập tổ công tác đặc biệt, mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm quá thách thức nêu trên là hoàn toàn cần thiết.

Nhưng cần hơn nữa là sau đợt cao điểm, sau hoạt động của tổ công tác đặc biệt, việc tấn công, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi các vi phạm, việc điểm đúng các "yếu huyệt" trong công tác quản lý phải càng được tập trung hơn, quyết liệt hơn nữa.

Nó phải được định vị là công việc thường xuyên, là trách nhiệm mỗi ngày của cơ quan chức năng và cả hệ thống.

Chống hàng giả, cần điểm ngay từ 'yếu huyệt' - Ảnh 1.Hàng giả lộng hành vì khâu nào cũng có kẽ hở

TTCT - Nhà sản xuất tự công bố chất lượng sản phẩm, hậu kiểm yếu, Nhà nước chưa quản lý nổi các kênh phân phối, quảng cáo, người tiêu dùng có ít tiền khi giá cả của các sản phẩm có tên tuổi quá cao… Tất cả đều là đất sống cho hàng giả

Đọc tiếp Về trang Chủ đề