Lầm tưởng khi sử dụng điều hòa khiến sáng dậy mệt rã rời

() - Giữ phòng kín khi bật điều hòa là thói quen của hầu hết các gia đình khi ai cũng tin rằng đóng cửa sẽ giúp phòng mát lâu và tiết kiệm điện. Nhưng niềm tin ấy lại có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

"Điều hòa không giết ai, nhưng thiếu hiểu biết thì có đấy".

Đây là mở đầu bài viết của một người trên mạng xã hội về lầm tưởng của việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ được nhiều người lan truyền gần đây. 

Trong bài viết, người này cảnh báo, việc đóng kín cửa phòng khi bật điều hòa để tiết kiệm điện, giữ hơi lạnh tưởng chừng hợp lý lại có thể gây nên tình trạng tích tụ khí carbon dioxide (CO2) và thiếu oxy (O2) nghiêm trọng.

"Tôi mua hẳn cái máy đo CO2 về thử trong phòng ngủ. Đêm đóng cửa bật điều hòa, sáng dậy giật mình thấy chỉ số lên 2.000ppm, vượt xa ngưỡng an toàn. Ngủ kiểu đó vài năm rồi hỏi sao người lúc nào cũng mệt, đầu đặc như khói", người này viết. 

Lầm tưởng khi sử dụng điều hòa khiến sáng dậy mệt rã rời - 1

Toàn bộ bài viết về sai lầm khi sử dụng điều hòa được chia sẻ rộng rãi thời gian gần đây. (Ảnh chụp màn hình)

Lời cảnh báo ấy đã dấy lên một làn sóng tranh luận: Liệu máy điều hòa nhiệt độ có đang "giết" chúng ta một cách âm thầm?

Tại sao ngủ trong phòng điều hòa đóng kín gây mệt mỏi? 

Trao đổi với , TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Quân y 175 cho rằng, việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ/máy lạnh ở không gian kín trong thời gian dài gây mệt mỏi, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe là có cơ sở.

Tiến sĩ Công phân tích, hệ thống máy điều hòa nhiệt độ thông thường có hai bộ phận chính: dàn nóng (hay cục nóng) đặt bên ngoài và dàn lạnh đặt trong phòng.

Máy điều hòa dân dụng chủ yếu chỉ làm lạnh không khí trong phòng bằng cách trao đổi nhiệt; không có hệ thống thông khí để trao đổi không khí giữa bên trong phòng và môi trường bên ngoài. Do đó, thiếu "không khí tươi" khi sử dụng máy lạnh như khi mở cửa phòng hoặc sử dụng quạt thông gió.

Khi bạn đóng kín cửa và bật điều hòa, sự lưu thông không khí giữa trong phòng và ngoài môi trường trở nên rất hạn chế, dù phòng vẫn có các khe kẽ nhỏ.

Trong khi đó, quá trình hô hấp của con người là hít vào không khí giàu O2 và thải ra khí giàu CO2.

Nếu con người sinh hoạt thời gian dài trong môi trường kín, không có "không khí tươi", nồng độ O2 sẽ giảm xuống, nồng độ CO2 sẽ tăng lên theo thời gian. Đặc biệt, nếu số lượng người trong phòng tăng lên, quá trình này sẽ diễn ra rất nhanh.

Khi nồng độ CO2 trong không khí phòng đạt đến một mức nào đó vượt qua ngưỡng cho phép (1.000ppm), nó sẽ gây ra các tác dụng có hại cho hệ thần kinh. Các biểu hiện có thể là mệt mỏi, ngủ gà, ngủ mê mệt, ngủ sâu, rối loạn về nhận thức, lú lẫn hoặc giảm khả năng nhận thức/hành vi.

"Cơ chế này cũng tương tự việc chúng ta ngủ trong ô tô bật điều hòa trong thời gian dài và ở chế độ "lấy gió trong". Trong không gian nhỏ hẹp và kín tuyệt đối như ô tô, nồng độ CO2 quá cao thậm chí có thể dẫn đến hôn mê và tử vong", tiến sĩ Công nói thêm.

Lầm tưởng khi sử dụng điều hòa khiến sáng dậy mệt rã rời - 2

Điều hòa nhiệt độ thông thường không có khả năng thông gió, rất dễ gây ra tình trạng thiếu O2 khi nhiều người cùng ở trong một không gian kín (Ảnh minh họa: iStock).

Bên cạnh đó, khi hút không khí phòng để làm lạnh, máy điều hòa nhiệt độ cũng hấp thu cả độ ẩm. Nhiệt độ cài đặt càng thấp, không khí càng lạnh và càng khô.

Không khí lạnh và khô có thể gây tổn thương da và niêm mạc, đặc biệt là niêm mạc đường hô hấp vốn rất nhạy cảm. Việc thường xuyên hít không khí khô và lạnh kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạc và viêm đường thở, chúng ta thường có cảm giác khô mũi họng, đau họng.

Ngoài ra, không khí vừa khô vừa lạnh cũng làm khô da và tăng kích ứng da.

Điều hòa nhiệt độ nếu không được vệ sinh định kỳ 6 tháng/lần cũng có thể tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn, nấm mốc phát triển trong hệ thống làm lạnh. Lúc này, không khí thổi ra có thể chứa vi nấm và vi khuẩn, gây viêm đường hô hấp, thậm chí viêm phổi, đặc biệt ở người cao tuổi và trẻ em.

Sử dụng điều hòa thế nào để đảm bảo sức khỏe?

Để tránh tình trạng thiếu O2 và tích tụ CO2 trong phòng chạy điều hòa, TS. Nguyễn Hải Công khuyến cáo mọi người hạn chế sử dụng kéo dài và để nhiệt độ quá thấp.

Nếu có điều kiện, nên mua loại điều hòa nhiệt độ có hệ thống thông khí giữa trong phòng và ngoài môi trường; hoặc trang bị thêm hệ thống thông gió như quạt thông gió để tạo sự trao đổi khí, lấy không khí tươi và làm mới không khí trong phòng thường xuyên.

Trong trường hợp không có hệ thống thông khí, mọi người nên định kỳ mở cửa phòng (ví dụ khoảng 60-90 phút/lần) để lấy "không khí tươi", làm mới không khí trong phòng khi sử dụng máy lạnh.

Tương tự như khi sử dụng ô tô đường dài, nên chuyển sang chế độ lấy gió ngoài sau mỗi 90-120 phút để làm tươi không khí trong xe.

Ngoài ra, mọi người có thể đặt một số loại cây xanh trong phòng vì chúng có khả năng hấp thụ CO2 và thải ra O2.

Tiến sĩ Công cũng lưu ý, việc sử dụng quạt trong phòng điều hòa đóng kín không có tác dụng cung cấp O2. Thay vào đó, cảm giác dễ chịu nhiều người cảm nhận được là do quạt khuếch tán không khí mát đều khắp không gian.

Bên cạnh đó, để tránh không khí bị khô, mọi người cũng nên đặt máy làm ẩm không khí bên trong phòng điều hòa. Nếu không có máy làm ẩm, có thể sử dụng các phương pháp đơn giản như đặt chậu nước nhỏ trong phòng để giúp cân bằng độ ẩm không khí trong phòng khi sử dụng máy lạnh.

Mọi người cũng nên làm sạch máy điều hòa mỗi 6 tháng/lần để hạn chế các tác nhân như vi khuẩn, nấm gây ảnh hưởng đến đường hô hấp.