
Hình ảnh gây tranh cãi của ông James Comey khi sắp xếp các vỏ sò thành con số 86 và 47, được cho là ám chỉ lời kêu gọi ám sát tổng thống thứ 47 của Mỹ - Ảnh: YAHOO NEWS
Ngày 16-5, cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey đã bị Mật vụ Mỹ triệu tập và điều tra, sau khi ông đăng tải một bức ảnh chụp những chiếc vỏ sò trên bãi biển xếp thành con số "86 47" - được cho là đang gián tiếp kêu gọi ám sát Tổng thống Trump.
Ông Trump sau đó cũng lên tiếng cáo buộc ông Comey đang ẩn ý đe dọa tính mạng mình, gọi cựu giám đốc là "cảnh sát bẩn".
Theo quan điểm của một số người Mỹ, con số 86 thường được sử dụng như một thông điệp ám chỉ việc giết người hoặc loại bỏ ai đó. Trong khi đó số 47 tương ứng với nhiệm kỳ hiện tại của ông Trump với tư cách là tổng thống thứ 47 của nước Mỹ.
Nguồn gốc con số 86
Theo trang PolityFact, thuật ngữ "eighty-six" (86) bắt nguồn từ ngành nhà hàng và khách sạn, có nghĩa là "hết hàng", "từ chối phục vụ", hoặc "đuổi ai đó ra khỏi cửa hàng".
Nhà ngôn ngữ học Ben Zimmer cho biết từ này lần đầu được dùng như một động từ từ cuối những năm 1940, chỉ hành động loại bỏ hoặc vứt bỏ thứ gì đó.
Từ điển Merriam-Webster cũng ghi nhận con số 86 xuất hiện như một từ tiếng lóng vào thập niên 1930 tại các quầy soda, mang ý nghĩa "hết hàng".
Có nhiều giả thuyết về lý do tại sao lại dùng số 86, nhưng phổ biến nhất là vì nó là tiếng lóng tương đồng với từ "nix" (có nghĩa là loại bỏ).
Ngoài ra, con số này còn được cho là bắt nguồn từ các bếp từ thiện vào thời kỳ Đại khủng hoảng, nơi một nồi xúp chỉ đủ 85 suất ăn, và người thứ 86 sẽ không được phục vụ.
Ông Zimmer cho biết mặc dù đôi khi số 86 có thể mang hàm ý bạo lực, nhưng ý nghĩa liên quan đến việc giết người chỉ mới xuất hiện gần đây trong lịch sử phát triển của từ này.
Lớp nghĩa này cũng không được các từ điển chính thống ghi nhận, mà chỉ xuất hiện trong các từ điển tiếng lóng.

Ông Comey và Tổng thống Trump từ lâu đã có mối quan hệ bất hòa, đặc biệt sau khi cựu giám đốc FBI bị ông Trump sa thải vào năm 2017 - Ảnh: AFP
Chỉ là hiểu lầm?
Sau khi đăng tải hình ảnh và xuất hiện các tranh cãi, ông Comey đã xóa bài viết và lên tiếng giải thích rằng ông không có ý kêu gọi bạo lực hay ám sát tổng thống. Ông cho biết mình chỉ đơn giản thấy hình dạng vỏ sò thú vị và không ngờ con số 86 lại bị hiểu theo nghĩa bạo lực.
"Tôi phản đối mọi hình thức bạo lực", ông khẳng định.
Nhiều cựu nhân viên FBI đã trao đổi với trang PolitiFact và đều khẳng định họ chưa từng thấy thuật ngữ "86" được dùng với mục đích kích động bạo lực chính trị trong nhiều năm công tác.
"Trong 25 năm làm FBI, tôi chưa từng thấy thuật ngữ này được dùng với ý định kích động bạo lực", ông Frank Figliuzzi, cựu đặc vụ FBI và hiện là chuyên gia về an ninh quốc gia cho Đài NBC News và MSNBC, nhận định.
Ông Michael Tabman, cựu đặc vụ FBI và hiện điều hành công ty tư vấn an ninh, cũng đồng tình: "Tôi không nhớ '86' từng được dùng như một lời kêu gọi bạo lực chính trị. Tôi không nghĩ ông Comey có ý đó".
Ông Bobby Chacon, một cựu đặc vụ FBI khác, cho rằng mọi lời đe dọa "phải được xem xét trong bối cảnh tình hình thế giới hiện tại".
"Thuật ngữ '86' đã tồn tại từ lâu và được dùng theo nhiều ý nghĩa khác nhau. Nhưng người của công chúng khi sử dụng thuật ngữ này cần ý thức được tình hình chính trị hiện tại, để lường trước được rằng một số người có thể hiểu sai ý của họ", ông nói.
Con số "86" trong chính trị Mỹ
Đây không phải là lần đầu tiên con số 86 được dùng trong ngữ cảnh chính trị. Các chính trị gia đôi khi dùng từ này như cách để nói về việc loại bỏ người nào đó khỏi vị trí.
Ví dụ vào tháng 2-2024, cựu nghị sĩ Matt Gaetz đã đăng tải trên mạng xã hội rằng Đảng Cộng hòa đã "86'd" nhiều nhân vật quan trọng như Kevin McCarthy, Ronna McDaniel và Mitch McConnell, ám chỉ những người này đã mất quyền lãnh đạo.
Vào năm 2018, một nhà hàng ở Virginia từng yêu cầu thư ký báo chí Nhà Trắng khi đó là bà Sarah Huckabee Sanders rời đi, và trên giấy ghi chú nội bộ của nhà hàng đã viết "86 - Sarah Huckabee Sanders".
