Viettel, FPT, VNPT, CMC… ‘làm tổ’ xây trung tâm dữ liệu, Bí thư Đà Nẵng khẳng định đã sẵn sàng hạ tầng cho trung tâm tài chính quốc tế

Thành phố đã có chủ trương thu hút đầu tư phát triển thêm các trung tâm dữ liệu chuẩn Tier III, phủ sóng 5G, đầu tư xây mới trạm cáp quang biển cập bờ với băng thông tuyến cáp đạt 90Tbps, đầu tư dự án không gian đổi mới sáng tạo.

Thành phố Đà Nẵng hiện nay có 06 trung tâm dữ liệu đang hoạt động với quy mô gần 500 rack và ngày 27/3/2025 đã khởi công xây dựng một trung tâm dữ liệu với quy mô giai đoạn 1 là 100 rack, dự kiến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành và giai đoạn 2 sẽ nâng quy mô lên 1000 rack – Đây là thông tin trong Báo cáo căn cứ thành lập Trung Tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng tại Hội nghị Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm Tài chính Quốc tế tại Việt Nam.

Các trung tâm dữ liệu này được đầu tư bởi những tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam như Viettel, FPT, VNPT hay CMC. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi về hạ tầng số để Đà Nẵng chuẩn bị cho sự thành lập của Trung tâm tài chính.

Viettel, FPT, VNPT, CMC… ‘làm tổ’ xây trung tâm dữ liệu, Bí thư Đà Nẵng khẳng định đã sẵn sàng hạ tầng cho trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đà Nẵng sẵn sàng hạ tầng

Được biết, Thành phố đã có chủ trương thu hút đầu tư phát triển thêm các trung tâm dữ liệu chuẩn Tier III, phủ sóng 5G, đầu tư xây mới trạm cáp quang biển cập bờ với băng thông tuyến cáp đạt 90Tbps, đầu tư dự án không gian đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các dự án thành phần về công nghệ thông tin, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030; phối hợp với các nhà đầu tư, tổ chức để đảm bảo điều kiện vận hành của Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng sau khi đưa vào hoạt động.

Qua nghiên cứu, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề xác định: Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung các lĩnh vực chuyên biệt như:

(i) tài chính xanh, tài chính thương mại phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, các tổ chức và cá nhân không cư trú (như dịch vụ tài chính offshore), các hoạt động thương mại xuyên biên giới gắn với Khu thương mại tự do, các khu công nghệ cao, khu kinh tế mở, khu công nghiệp…;

(ii) thử nghiệm có kiểm soát một số mô hình mới như tài sản số, tiền số, thanh toán, chuyển tiền kỹ thuật số;

(iii) thu hút các quỹ đầu tư, quỹ kiều hối, công ty quản lý quỹ vừa và nhỏ;

(iv) thúc đẩy phát triển các startup cung cấp giải pháp tài chính phục vụ đời sống tiêu dùng, du lịch, thương mại, logistics

(v) các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, phát triển các dịch vụ pháp lý có liên quan.

Viettel, FPT, VNPT, CMC… ‘làm tổ’ xây trung tâm dữ liệu, Bí thư Đà Nẵng khẳng định đã sẵn sàng hạ tầng cho trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 2.

Cảnh Đà Nẵng. Ảnh: Internet

Riêng về đất đai, để đáp ứng ngay nhu cầu hoạt động của Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng sau khi có Nghị định thành lập của Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương nghiên cứu sử dụng ngay một tòa nhà 22 tầng tại Khu Công viên phần mềm số 2 với diện tích sàn xây dựng hơn 27.000 m2.

Bên cạnh đó đã quy hoạch và bố trí các khu đất sạch khu vực gần biển với diện tích gần 18 ha để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trong dài hạn, sẽ chuyển đổi khu công nghiệp Đà Nẵng tại phường Sơn Trà (mới) với diện tích 62 ha để trở thành khu phố tài chính và sẽ bố trí khoảng 350 ha trong tổng số 1.500 ha diện tích khu vực lấn biển tại vịnh Đà Nẵng.

Chủ trương phát triển 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, hoạt động ở 2 thành phố

Trao đổi tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, nội dung về trung tâm tài chính quốc tế không phải là vấn đề mới đối với quốc tế nhưng là và vấn đề rất mới và rất khó đối với Việt Nam. Khó là vì hoạt động vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời cũng vừa đặt trong mối tương quan, phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Là địa phương triển khai thực hiện chủ trương, kế hoạch về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đúc rút, tất cả các ý kiến phát biểu từ các góc độ tiếp cận khác nhau, song đều thống nhất cần thiết phải hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Có thể là 2 trung tâm tài chính quốc tế riêng biệt, hoặc 1 trung tâm tài chính quốc tế nhưng hoạt động ở 2 địa điểm.

Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, dù là phương án nào, cũng đều có ý nghĩa quan trọng làm đa dạng hóa môi trường thu hút đầu tư của các định chế tài chính, các nhà đầu tư; hạn chế, kiểm soát tốt hơn được các rủi ro;

Cùng với công tác tham mưu, đề xuất xây dựng về cơ chế chính sách, Đà Nẵng đã chuẩn bị các điều kiện, các hệ sinh thái, các hạ tầng, gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để sẵn sàng phục vụ cho sự vận hành của trung tâm tài chính quốc tế.

Tương tự như Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cũng khẳng định, Thành phố đang tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách sát với điều kiện thực tế của địa phương cũng như quyết liệt chỉ đạo, chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật, triển khai kế hoạch về đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ hoạt động của trung tâm tài chính quốc tế khi trung tâm được quyết định chính thức đi vào vận hành, hoạt động.

Nhiều ý kiến chuyên gia tại Hội nghị đã khuyến nghị, đề cập tới việc phát triển 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhưng hoạt động tại hai thành phố là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Các đại biểu cũng đã phân tích rất rõ những lợi thế riêng biệt ở cả 2 thành phố này, hai thành phố có thể bổ trợ, hỗ trợ cho nhau trong quá trình vận hành và phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế.

Viettel, FPT, VNPT, CMC… ‘làm tổ’ xây trung tâm dữ liệu, Bí thư Đà Nẵng khẳng định đã sẵn sàng hạ tầng cho trung tâm tài chính quốc tế- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Thường trực cho biết định hướng, chủ trương sẽ phát triển 1 trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, nhưng hoạt động ở 2 thành phố là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ xây dựng một hành lang pháp lý mang tính đột phá để phát huy tối đa các lợi thế của Việt Nam, đồng thời tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như các chuẩn mực quốc tế; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; bảo đảm các cơ chế chính sách cho trung tâm tài chính quốc tế mang tính đặc thù, vượt trội, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư cũng như bảo đảm cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân; có bước đi phù hợp với năng lực quản lý, quản trị của Việt Nam.

Về hạ tầng pháp lý, trước hết là Chính phủ sẽ tập trung bổ sung hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, hệ thống các nghị định của Chính phủ sẽ được ban hành với các chính sách vượt trội, cởi mở, có nhiều ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ, nhất là những ưu đãi về thuế quan; hạ tầng; xuất nhập cảnh, cư trú, lao động;… đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.