Việt Nam vừa lập kỷ lục thế giới tại dự án hơn 16 tỷ USD: Cả công trường nín thở chờ thời khắc 22h30'

Việc này tại công trình 16 tỷ USD được coi là kỷ lục trong lịch sử ngành xây dựng hàng không thế giới.

Kỷ lục thế giới vừa được ghi nhận tại dự án sân bay Long Thành. Đây là một trong những dự án trọng điểm hiện nay của Việt Nam.

Theo đó, kỷ lục này là việc nâng thành công khối thép module nặng hơn 5.300 tấn ở nhà ga sân bay Long Thành trong tháng 4/2025. Đây được coi kỷ lục trong lịch sử ngành xây dựng hàng không thế giới.

Theo anh Mai Phước Đức, Giám đốc điều hành dự án CTCP Kết cấu thép ATAD, anh từng tham gia rất nhiều dự án có quy mô lớn tại Việt Nam và trên thế giới. Tuy nhiên, xét về độ phức tạp, yêu cầu kỹ thuật cao như mái nhà ga Long Thành, thì đây là lần đầu tiên bản thân anh và ATAD thực hiện, đặc biệt là với loại mái vòm cách điệu hoa sen.

Trên thực tế, kết cấu mái thép của nhà ga Long Thành rất đặc biệt, khi phần lớn là những liên kết dạng kết cấu hộp và được tổ chức từ những tấm thép dày từ 30 – 70 mm, uốn cong theo 2 chiều. Việc này đòi hỏi kỹ thuật cao và chính xác.

Việt Nam vừa lập kỷ lục thế giới tại dự án hơn 16 tỷ USD: Cả công trường nín thở chờ thời khắc 22h30'- Ảnh 1.

Hệ kết cấu thép mái của sân bay Long Thành trong giai đoạn nâng lên 15 m. Ảnh: ATAD

Hơn nữa, toàn bộ mối hàn bắt buộc phải hàn ngấu toàn phần, nhằm đảm bảo kết cấu chịu lực liên tục, đồng thời đảm bảo an toàn và đạt độ thẩm mỹ cao nhất. Mặt khác, thực tế quá trình thi công mái nhà ga Long Thành còn phải trải qua thử thách khi môi trường làm việc hoàn toàn ở ngoài trời, phải đối mặt với mưa. Vì vậy, công tác kiểm soát chất lượng được đặt lên hàng đầu, tay nghề thợ hàn, kỹ thuật ghép nối cũng như sự phối hợp giữa những bộ phận trong chuỗi dự án cũng đều phải đạt được độ chính xác tuyệt đối và đảm bảo khớp tới từng mm.

Để chuẩn bị cho việc nâng mái thép này, kể từ lúc chính thức bắt tay vào dự án nhà ga sân bay Long Thành, vào tháng 8/2023, đội ngũ kỹ sư đã nghiên cứu rất nhiều về phương án nâng hạ. Đến khoảng tháng 4/2024, chủ đầu tư, tư vấn cùng nhà thầu mới chốt được phương án cuối cùng, sau đó bắt đầu thiết kế, tính toán, lắp đặt và sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

Phương án cuối cùng là đợi các đơn vị thi công xong sàn tầng 3, sẽ tiến hành tổ hợp toàn bộ module ngay trên sàn, sau đó mới nâng lên độ cao 16,8 m. ATAD cũng đã thuê công ty VSL, đơn vị hàng đầu thế giới trong việc thi công nâng hạ các kết cấu lớn, để phối hợp thực hiện. Theo đó, 5 chuyên gia của VSL từ Thụy Sĩ đưa sang 68 bộ kích thủy lực, 16 bơm, hệ thống laser, tín hiệu điều khiển tự động. Tất cả đều được cài đặt và lập trình riêng. Ngoài ra, rủi ro trong quá trình nâng hạ cũng đã được dự báo và kiểm soát chặt chẽ. Nhà thầu còn sử dụng phần mềm mô phỏng để tính toán trước độ trượt của khối thép khi nâng lên.

Module kết cấu thép mái CEN của công trình này được các chuyên gia trong ngành đánh giá là một trong những module lớn nhất thế giới, về cả trọng lượng và độ phức tạp khi kết nối. Do đó, việc nâng thành công khối thép module nặng tới 5.330 tấn là một kỷ lục trong lịch sử ngành xây dựng hàng không thế giới.

Cả công trường nín thở trước thử thách cực đại tại dự án 16 tỷ USD

Việt Nam vừa lập kỷ lục thế giới tại dự án hơn 16 tỷ USD: Cả công trường nín thở chờ thời khắc 22h30'- Ảnh 2.

Chi tiết kết cấu thép hỗ trợ nâng hệ mái của sân bay Long Thành. Ảnh: ATAD

Theo tính toán của các chuyên gia, khi nhấc khỏi mặt sàn, module thép có thể bị trượt khoảng 21 – 22 mm. Tuy nhiên, thực tế module chỉ trượt 18 mm. Điều này hoàn toàn nằm trong giới hạn an toàn khi liên kết vào 256 điểm kết nối hiện hữu.

Đáng chú ý là bên cạnh yếu tố kỹ thuật, thời tiết cũng được các chuyên gia tính toán từ trước. Cụ thể, các chuyên gia đã quan trắc trong suốt 1 năm, đồng thời theo dõi quy luật mưa, gió để chọn ra thời điểm an toàn nhất cho việc nâng hạ. Trong quá trình nâng, kết cấu thép trung tâm đã được thiết kế nhằm chịu được gió với tốc độ 110 km/h.

Hơn nữa, trong quá trình nâng, nhà thầu còn bố trí 16 điểm để đo gió, đặt ra giới hạn nghiêm ngặt. Cụ thể, nếu gió vượt quá 36 km/h hoặc có mưa lớn thì toàn bộ quá trình nâng sẽ dừng ngay lập tức.

Trên thực tế, trong quá trình nâng module còn xảy ra chuyện chưa từng có. Đó là ảnh hưởng của trận động đất tại Myanmar. Điều này cho thấy hệ thống kết cấu thực sự đảm bảo được an toàn theo tính toán.

Theo các chuyên gia, 3 ngày đầu tiên của quá trình nâng là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Thực tế là sau ngày đầu tiên phải dừng vì mưa lớn, sang ngày thứ hai và thứ ba tiếp tục nâng lên được từ 0 - 300 mm (tương đương khoảng một gang tay). Sau đó, nhà thầu sử dụng những thiết bị vi chỉnh để kiểm tra kết cấu, đánh giá biến dạng và độ ổn định.

Nâng thành công hệ kết cấu thép mái trung tâm nhà ga sân bay Long Thành. Nguồn: ATAD

Giám đốc điều hành dự án CTCP Kết cấu thép ATAD chia sẻ, khoảnh khắc đáng nhớ nhất chính là khi khối thép được nâng đến cao độ 300 mm đầu tiên. Khi đó vào khoảng 22h30', cả công trường như nín thở. T ừ chủ đầu tư, tổng thầu đến các kỹ sư, công nhân đều vỡ òa trong niềm vui, bởi từng mm di chuyển đều chứa đựng áp lực cực lớn và không có chỗ cho sai sót.

Giám đốc điều hành dự án CTCP Kết cấu thép ATAD nhớ lại, vào khoảng 16h ngày 4/4, khi khối thép được đưa lên vị trí cao nhất 16,8 m, mọi người đã ôm chầm lấy nhau, vỡ òa cảm xúc và sung sướng không gì tả.

Ông Peter Siegfried, chuyên gia hàng đầu của VSL chia sẻ rằng, dù đã từng thực hiện nhiều dự án lớn trên khắp thế giới nhưng đây là một trong những module phức tạp và khó khăn nhất trong sự nghiệp.

Ngoài 5 vị chuyên gia Thụy Sĩ, trong suốt 1 tuần cao điểm, 30 kỹ sư của Việt Nam luôn bám sát công trường và gần như không ngủ để tính toán. Công nhân tham gia giai đoạn nâng cấu kiện (bao gồm 80 người) ai nấy đều dồn hết tâm sức, dõi theo từng bước di chuyển của khối thép này

Thành công nâng kết cấu mái vòm thép nhà ga Long Thành trong những ngày tháng 4 càng khiến đội ngũ kỹ sư Việt Nam tự hào, chứng minh được bản lĩnh và năng lực của nhà thầu nội địa.

Ông Dương Quang Điện, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án sân bay Long Thành cho hay, việc thực hiện giải pháp nâng tổng thể kết cấu mái thép bằng giải pháp kết hợp giữa kéo và đẩy bằng hệ kích thủy lực đã giúp rút ngắn thời gian 4 tháng so với các giải pháp khác. Việc này góp phần rút ngắn tiến độ tổng thể dự án sân bay Long Thành.

Việt Nam vừa lập kỷ lục thế giới tại dự án hơn 16 tỷ USD: Cả công trường nín thở chờ thời khắc 22h30'- Ảnh 3.

Kết cấu mái thép của trung tâm nhà ga dự án sân bay Long Thành, tháng 4/2025. Ảnh: ATAD

Công trình hơn 16 tỷ USD chốt ngày về đích

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng tại phiên họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải diễn ra ngày 10/5.

Việt Nam vừa lập kỷ lục thế giới tại dự án hơn 16 tỷ USD: Cả công trường nín thở chờ thời khắc 22h30'- Ảnh 4.

Dự án sân bay Long Thành đang hoàn thành việc lợp mái. Ảnh: VH

Trong các nội dung kết luận, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh về thời điểm hoàn thành dự án sân bay Long Thành. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tiếp tục phát huy kết quả đạt được, kiểm soát chặt chất lượng, an toàn lao động, tổ chức thi công hợp lý, khoa học, bảo đảm tiến độ hoàn thành nhà ga sân bay Long Thành, cùng các hạng mục do đơn vị làm chủ đầu tư trong năm nay.

Đặc biệt, kết luận nêu rõ, các chủ đầu tư dự án thành phần khác cũng phải đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm khai thác đồng bộ, hiệu quả; chịu trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân về tiến độ triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành dự án sân bay Long Thành trong dịp 19/12/2025.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD. Dự án này được chia làm 3 giai đoạn, bao gồm giai đoạn 1 dự kiến khai thác vào năm 2026, với vốn đầu tư 5,45 tỷ USD, đạt công suất 25 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 2 của dự án triển khai từ năm 2028 - 2032, nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu sau năm 2035, đưa công suất của sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm và giúp sân bay Long Thành trở thành sân bay lớn nhất ở Việt Nam.

Trong đó, nhà ga hành khách, hạng mục quan trọng nhất, được xem là "trái tim" của dự án sân bay Long Thành , với hình ảnh hoa sen sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế. Hiện nay, nhà ga này đã hoàn thành kết cấu bê tông cốt thép phần ngầm và các tầng (4 tầng), đang lắp đặt kết cấu thép, mặt dựng vách kính, thiết bị nhà ga. Theo kế hoạch, đến cuối tháng 12/2025, nhà ga hành khách sẽ cơ bản hoàn thành phần xây dựng.