Việt Nam sắp đào tạo 10.000 CEO, có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, 20 DN lớn trong chuỗi toàn cầu

Việt Nam sẽ có nhiều Vingroup, Hòa Phát, Thaco, Đèo Cả, Viettel, FPT.

Việt Nam sắp đào tạo 10.000 CEO, có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, 20 DN lớn trong chuỗi toàn cầu- Ảnh 1.

Bồi dưỡng 10.000 Giám đốc điều hành (CEO)

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân với nhiều tư tưởng đột phá.

Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân, Nghị quyết nêu rõ, tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp chất lượng cao, ngành nghề trọng điểm. Khuyến khích phát triển các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, nhân rộng, chuyển giao các chương trình đào tạo tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế tư nhân.

Theo Nghị quyết, cần đổi mới phương thức đánh giá, công nhận tốt nghiệp có sự tham gia của doanh nghiệp đối với các chương trình chất lượng cao. Hỗ trợ, khuyến khích hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thu hút doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào đào tạo nhân lực. Chi phí đào tạo và đào tạo lại nhân lực của doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân; khuyến khích các địa phương sử dụng các nguồn lực hợp pháp của mình để hỗ trợ chủ động các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đặc biệt, Nghị quyết cũng đặt mục tiêu triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 Giám đốc điều hành (CEO) cho khu vực tư nhân, với sự đồng hành của các doanh nhân thành đạt trong vai trò giảng dạy, cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và truyền cảm hứng.

Cùng với đó, thúc đẩy giáo dục, đào tạo các kỹ năng sáng tạo, STEM, ngoại ngữ, kỹ năng số trong tất cả các bậc học đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Việt Nam sắp đào tạo 10.000 CEO, có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, 20 DN lớn trong chuỗi toàn cầu- Ảnh 2.

Loạt chính sách mới sẽ mở ra cơ hội lớn cho kinh tế tư nhân - một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên mới. Ảnh minh họa

Phấn đấu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế

Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP , hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, là lực lượng quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần xoá đói, giảm nghèo, ổn định đời sống xã hội.

Xuất khẩu của khu vực KTTN trong nước chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 110-120 tỷ USD/năm). Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu và vươn ra thị trường khu vực, thế giới.

Việt Nam sắp đào tạo 10.000 CEO, có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, 20 DN lớn trong chuỗi toàn cầu- Ảnh 3.

Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các sự kiện, dự án lớn của đất nước. Ảnh minh họa

Sự góp mặt của các tên tuổi như Hòa Phát, Thaco, Đèo Cả, Viettel, FPT… gắn liền với các dự án lớn của đất nước là tín hiệu đáng mừng, cho thấy kinh tế tư nhân đã đủ sức tham gia các dự án lớn, siêu dự án của đất nước.

Nghị quyết số 68-NQ/TW cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị và các chủ trương, đường lối.

Phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân. Có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đóng góp khoảng trên 60% GDP.