BS.CKI Nguyễn Tiến Đạo, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết như trên, đồng thời khuyến cáo cúm là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ mỗi khi thời tiết chuyển mùa như hiện nay.
“Thời tiết mưa nắng thay đổi thất thường, nhiệt độ chênh lệch tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh cúm gia tăng. Bên cạnh đó, có nhiều mầm bệnh đường hô hấp khác như Covid-19 cũng đang gia tăng có nguy cơ gây bệnh chồng bệnh cho trẻ”, bác sĩ Đạo nói.
Bác sĩ Đạo cho biết virus cúm có thể tồn tại hàng giờ ở ngoài môi trường, dễ lây lan theo đường hô hấp, qua dịch tiết mũi họng, khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi. Virus cũng có thể bám trên bề mặt như bàn học, tay nắm cửa, các vật dụng, đồ chơi, lây nhiễm cho người lành khi chạm tay, sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
Trẻ từ 6 tháng tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh và thường có thói quen mút tay, đưa các đồ vật cầm nắm được lên mắt mũi miệng nên dễ mắc bệnh. Ở trẻ lớn hơn, thường sinh hoạt, vui chơi, học tập nơi đông người như lớp học, nhà trẻ, trường học, câu lạc bộ, thư viện, không gian khép kín… Điều này dễ làm gia tăng tiếp xúc giữa các trẻ với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm lây lan. Bác sĩ Đạo dẫn chứng ổ dịch cúm A tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (Bắc Kạn), với 43 học sinh, vào ngày 15/2.

Trường hợp bé trai mắc cúm A, bị biến chứng suy hô hấp cấp điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vào tháng 2 vừa qua (Ảnh: Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ).
Theo bác sĩ Đạo, trẻ mắc cúm thường bắt đầu với triệu chứng sốt, nhức đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, ho, đau họng và chảy nước mũi… Điều này khiến trẻ thường bỏ bú, biếng ăn, ăn không ngon miệng, kèm nôn ói nhiều gây suy giảm hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, hệ hô hấp còn non yếu, khả năng đào thải virus thông qua ho, khạc đàm kém, trẻ dễ nuốt vào các dịch tiết chứa virus. Các điều kiện này thúc đẩy virus cúm sinh sôi, tấn công đa cơ quan gây viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, viêm tai giữa… cho trẻ.
Trong đó, biến chứng viêm phổi, viêm màng não có tiến triển nhanh, nguy cơ tử vong cao, từng ghi nhận nhiều ở trẻ. Như trường hợp trẻ 7 tháng tuổi, ở Phú Thọ mắc cúm A bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp vào tháng 2.
Tổn thương niêm mạc do cúm cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phế cầu thường trú ở vùng hầu họng và các tác nhân khác như tụ cầu vàng, Covid-19 xâm lấn làm cho tình trạng viêm phổi nặng hơn. Khi trở nặng, trẻ khó thở, thở nhanh, mệt lả, tím tái môi, lơ mơ… Nếu trẻ không được điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến tổn thương đa cơ quan, suy tim, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Cúm có thể tự khỏi sau 2-7 ngày nhưng ở trẻ nhỏ, triệu chứng cúm cũng thường kéo dài hơn tăng nguy cơ phát tán mầm bệnh và lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người cao tuổi và có bệnh lý nền.
Bác sĩ Đạo khuyến cáo, trẻ từ 6 tháng tuổi cần tiêm vaccine cúm để tránh lây nhiễm, biến chứng khi mắc cúm. Tiêm vaccine cúm có hiệu quả phòng bệnh đến 90%, giảm 60% các bệnh liên quan đến cúm và giảm 70-80% tỷ lệ tử vong do bệnh cúm.

Trẻ nhỏ tiêm vaccine tại VNVC (Ảnh: Mộc Miên).
Hiện Việt Nam có đầy đủ các loại vaccine cúm tứ giá phòng 4 chủng virus cúm gồm 2 chủng cúm A (H1N1, H3N2) và 2 chủng cúm B (Yamagata, Victoria), ... dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Vaccine cúm dạng bất hoạt, được điều chế từ virus đã chết nên có thể được dùng một cách an toàn ở cả trẻ nhỏ hoặc người suy giảm miễn dịch. Trong đó, vaccine tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…
Trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa từng tiêm cúm, lịch tiêm gồm hai mũi cách nhau tối thiểu một tháng sau đó tiêm nhắc 1 mũi định kỳ hàng năm. Đối với người từ 9 tuổi trở lên cần một liều cơ bản và nhắc lại 1 mũi hàng năm.
Phụ nữ trong độ tuổi mang thai cũng nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ. Việc tiêm cúm trong thai kỳ còn phòng ngừa cho thai nhi nhờ miễn dịch do mẹ truyền sang trong lúc mẹ đang mang thai đến 6 tháng đầu đời khi trẻ chưa nhận được miễn dịch chủ động từ vaccine. Mẹ bầu có thể tiêm vaccine cúm vào bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, tốt nhất từ 3 tháng giữa trở đi.
Ngoài vaccine, gia đình cần tránh đưa trẻ đến nơi đông người, dạy trẻ thường xuyên rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Trẻ cũng cần hạn chế đưa lên mắt, mũi, miệng, không khạc nhổ bừa bãi để tránh làm lây lan virus cúm. Nhà trường cần đảm bảo vệ sinh trường lớp sạch sẽ, thông thoáng, nhiều ánh sáng. Các bề mặt như nền nhà, tay nắm cửa, bàn học, vật dụng của học sinh cần được thường xuyên khử trùng. Trẻ cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý để tăng sức đề kháng, tập thể dục thường xuyên nhằm nâng cao thể trạng.
Gia đình cũng cần theo dõi con, nhất là khi thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay. Khi trẻ có dấu hiệu bệnh, cần được khám sớm, không nên tự dùng thuốc, hoặc trị bệnh theo mẹo dân gian dễ làm bệnh nặng hơn.