
Giáo hoàng Francis rửa chân và hôn chân một tù nhân thiếu niên tại nhà tù thanh thiếu niên Casal del Marmo, ngoại ô thủ đô Rome, Ý vào năm 2023 - Ảnh: AFP
Trả lời tờ báo Ý La Repubblica mới đây, Giám mục phụ tá Giáo phận Rome Benoni Ambarus cho biết trước khi qua đời vài ngày, Giáo hoàng Francis đã gửi 200.000 euro (hơn 227.000 USD) trong tài khoản cá nhân để giúp một nhà máy sản xuất pasta của nhà tù thanh thiếu niên Casal del Marmo, ngoại ô thủ đô Rome, nước Ý.
Gom hết tiền cho tù nhân
“Tôi đã nói với ngài rằng nhà máy sản xuất pasta này đang gánh một khoản vay thế chấp lớn, và nếu giải quyết được khoản vay này nhà máy có thể hạ giá pasta, bán được nhiều hàng hơn và thuê thêm nhiều nam thanh niên làm việc hơn.
Sau đó, ngài ấy nói ‘Tôi gần hết tiền rồi nhưng tôi vẫn còn một ít trong tài khoản của tôi’. Và rồi, ngài đưa cho tôi 200.000 euro”, Giám mục Ambarus kể lại.
Truyền thông Ý đưa tin con số 200.000 euro là gần như toàn bộ số tiền cố Giáo hoàng Francis có trong tài khoản cá nhân của mình.
Theo kênh Euronews, mặc dù được hưởng mức lương khoảng 30.000 euro (tương đương 34.000 USD) mỗi tháng nhưng Giáo hoàng Francis đã từ chối nhận lương trong suốt 12 năm tại vị.
Thay vào đó, ngài chuyển khoản lương này cho các tổ chức, nhà thờ và những người thật sự cần tiền.
Trước đó, tờ báo Ámbito của Argentina cũng cho biết Giáo hoàng Francis chỉ để lại tài sản trị giá 100 USD sau khi qua đời ở tuổi 88 hôm 21-4.
Nhà tù Casal del Marmo cũng chính là nơi Giáo hoàng Francis rửa chân và hôn chân của 12 tù nhân trẻ vào thứ năm Tuần Thánh ngày 6-4-2023. Nghi thức rửa chân trong thứ năm Tuần Thánh nhằm tưởng nhớ hành động Chúa Jesus rửa chân cho 12 tông đồ trước khi chịu chết vào thứ sáu Tuần Thánh.
Trong suốt 12 năm tại vì, năm nào Giáo hoàng Francis cũng đến nhà tù thăm các tù nhân, rửa chân và hôn chân họ trong ngày thứ năm Tuần Thánh.
Vào ngày 17-4 vừa qua, dù không thể cử hành bất kỳ thánh lễ nào trong Tuần Thánh (tức tuần lễ Phục sinh) do sức khỏe đã rất kém, nhưng Giáo hoàng Francis vẫn cố gắng đến thăm nhà tù Regina Coeli, trung tâm thủ đô Rome.
“Hằng năm, cha rất thích làm những gì Chúa Jesus đã làm vào thứ năm Tuần Thánh. Cha thích rửa chân cho các tù nhân trong tù. Năm nay, cha không thể làm được nữa nhưng cha vẫn có thể và vẫn muốn được ở gần các con. Cha cầu nguyện cho các con và gia đình của các con”, Vatican dẫn lời Giáo hoàng Francis nói với các tù nhân ở nhà tù Regina Coeli.
“Ngài đã đấu tranh vì họ (những tù nhân) đến hơi thở cuối cùng. Đó là lý do vì sao các tù nhân nhìn thấy tia hy vọng từ ngài”, Giám mục Ambarus nhớ lại Giáo hoàng Francis vẫn kiên quyết đến thăm các tù nhân vào thứ năm Tuần Thánh vừa qua dù đã rất yếu.
Mở cửa hy vọng cho những người tội lỗi
Năm 2025 là Năm Thánh (Annum Jubilaei) - một năm đặc biệt chỉ xuất hiện sau 50 năm và trước đây là 25 năm một lần. Vào các Năm Thánh, Giáo hoàng sẽ mở một số cửa thánh ở Vatican.
Theo sắc chỉ thiết lập Năm Thánh 2025, Giáo hoàng Francis mở cửa thánh ở Vương cung thánh đường Thánh Peter, Vương cung thánh đường Thánh John Lateran (Archbasilica of Saint John Lateran), Vương cung thánh đường Đức Bà Cả và Vương cung thánh đường Thánh Paul Ngoại thành (Papal Basilica of Saint Paul Outside the Walls).
Tuy nhiên, ngài đã bày tỏ mong muốn thực hiện một ngoại lệ duy nhất là mở cửa thánh tại nhà tù Rebibbia, phía đông bắc thành phố Rome để mang lại cho các tù nhân một cánh cửa hy vọng, cánh cửa hoàn lương, cũng như thể hiện sự tha thứ vô biên của Thiên Chúa dành cho các tội nhân.
Theo một số nguồn thạo tin, Giáo hoàng Francis từng nhiều lần trăn trở về điều kiện sinh hoạt của các tù nhân trong tù. Ngài vẫn luôn cầu nguyện và thích trò chuyện, lắng nghe các tù nhân như một người cha từ nhân, vị tha trước những đứa con tội lỗi.
Tổng thống Mỹ Trump và vợ lên đường đến Rome

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania khởi hành đến Rome (Ý) hôm 25-4 trên chiếc chuyên cơ Air Force 1 để dự tang lễ Giáo hoàng Francis - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đang trên đường đến thủ đô Rome (Ý) để dự Thánh lễ an táng của Giáo hoàng Francis vào ngày 26-4.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông. Vợ chồng Tổng thống Mỹ dự kiến đáp xuống Rome lúc 22h50 ngày 25-4 (theo giờ địa phương) và tổ chức một số hoạt động song phương bên lề tang lễ của Giáo hoàng Francis.
Tại tang lễ của Giáo hoàng Francis, Tổng thống Trump sẽ “chạm mặt” hàng chục nhà lãnh đạo các nước, gồm Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang, cũng như các cuộc đàm phán tới hồi căng thẳng về xung đột toàn cầu.
Đây cũng là lần gặp mặt đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Zelensky sau trận khẩu chiến “nảy lửa” tại Nhà Trắng hôm 28-2.
Ngoài Tổng thống Trump, vợ chồng cựu tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ đến dự Thánh lễ an táng của Giáo hoàng Francis. Ông Biden là một tín hữu Công giáo và có mối quan hệ khá thân thiết với cố giáo hoàng.
Đặc biệt, vợ chồng ông Biden tự đến Rome thay vì đi bằng chiếc chuyên cơ Air Force 1 như thông lệ.
