Trở về từ trại hè 8 ngày, 7 đêm tại Thái Nguyên với chi phí gần 19 triệu đồng, bé Mỹ Tú (12 tuổi, Hà Nội) và Xuân Dũng (10 tuổi) khẳng định với bố mẹ “mọi thứ như cơn ác mộng”.
Toàn thân Dũng nổi mẩn đỏ li ti, dày như kê, ngứa rát dữ dội. Gia đình lập tức đưa bé đến cơ sở y tế và nhận kết luận bị sẩn ngứa da, nguyên nhân do môi trường sinh hoạt không sạch sẽ.
Chị Ngọc Ly, mẹ hai bé, chia sẻ: “Khu vệ sinh quá ô nhiễm khiến con tôi không dám đi cầu tiêu trong 8 ngày ở trại”.
Tuy nhiên, tổn thương thể chất chỉ là một phần. Trong thời gian ở trại, Dũng còn bị bắt nạt. Bé bị bạn cùng trại đánh vào ngực, đạp vào bụng, liên tục bị chửi mắng, lăng mạ, thậm chí là “tra tấn” tâm lý khiến gia đình xót xa.
Không chỉ chị Ly, nhiều phụ huynh tin tưởng, bỏ ra số tiền không nhỏ để cho con tham gia trại hè, nhưng sau đó chỉ nhận lại sự thất vọng. Kỳ vọng về một chuyến đi bổ ích nhanh chóng bị thay thế bằng lo lắng khi con trở về với những vấn đề về sức khỏe, tinh thần và trải nghiệm không đúng như cam kết ban đầu.
Đặt niềm tin sai chỗ
Cuối tháng 6, chị Ngọc Ly cho hai con tham gia trại hè với mong muốn các con có trải nghiệm tuổi thơ đáng nhớ, gần gũi với thiên nhiên và học thêm kỹ năng sống. Thế nhưng, những gì xảy ra trong trại hè khiến chị cảm thấy mình vừa đặt lòng tin sai chỗ.
![]() |
Con trai chị Ly phải đi khám sau khi trở về từ trại hè. |
Chị Ly cho biết Dũng được xếp vào khu nhà sàn dành cho nam sinh. Thay vì được ở trong không gian phù hợp, bé phải ở chung với khoảng 30 bạn khác trong căn nhà chật chội, không có số lượng nhà vệ sinh rõ ràng.
Không khí oi bức, không gian kín, thiếu vệ sinh khiến con trai chị Ly gặp vấn đề nghiêm trọng về da liễu.
Không chỉ vậy, là đứa trẻ hiền lành, Dũng không dám phản kháng hay kể lại câu chuyện ngay khi xảy ra.
Càng đáng tiếc khi chương trình quy định không cho phép trại viên mang theo thiết bị điện tử. Các bé chỉ được gọi về nhà một lần duy nhất, vào ngày thứ 3 sinh hoạt tại trại. Cuộc gọi cũng chỉ cho phép gọi điện thoại thông thường, bật loa ngoài, khiến bé không thể thổ lộ được hết những điều đang trải qua.
Ban tổ chức từng hứa bảo đảm an toàn cho trẻ bằng cách phân khu nam - nữ rõ ràng. Quả thật, bé Tú, con gái chị Ly, được ở khu riêng, chung phòng với 5 bạn với một điều phối viên và nhà vệ sinh riêng. Tuy nhiên, cam kết rằng mỗi điều phối viên chỉ phụ trách 4 bé lại không được thực hiện. Con gái chị cũng kể rằng điều phối viên chủ yếu chỉ xuất hiện vào giờ ăn và giờ ngủ, hầu như không can thiệp hay hỗ trợ khi các con có vấn đề.
Riêng với bé Dũng, điều khiến gia đình lo lắng hơn cả là một tình huống không rõ ràng. Bé kể có một trại viên nam khoảng 15 tuổi thường xuyên bế cháu lên, ôm, sờ má và nói những lời không phù hợp. “Khi nghe con kể, vợ chồng tôi thực sự bàng hoàng và lo lắng. Cháu chưa đủ nhận thức để hiểu hết hành vi đó có nghiêm trọng không, nhưng là phụ huynh, chúng tôi thấy bất an vô cùng”, chị Ly nói.
Từ sau khi trở về, Dũng có dấu hiệu căng thẳng, không còn vui vẻ như trước, thậm chí trở nên lầm lì, hoảng hốt mỗi khi nghe nhắc đến “trại hè”. Cân nặng cháu sụt rõ rệt, ăn ngủ kém. Gia đình đang phải theo dõi sức khỏe tâm lý cho bé một cách sát sao.
![]() ![]() ![]() |
Nhật ký của con chị Dung trong những ngày tham gia trại hè. |
Chị Mỹ Dung, một phụ huynh khác tại Hà Nội, cũng chia sẻ trải nghiệm khiến chị vừa thất vọng vừa tức giận. Con chị cùng 5 bạn khác tham gia chương trình trại hè 4 ngày, 3 đêm hồi tháng 6. Với số tiền khoảng 6 triệu đồng, những gì con chị nhận được lại chỉ toàn là sự bất tiện và thiếu chăm sóc.
Nhà vệ sinh bẩn, đầy bọ gậy, muỗi, gián, nhện. Vòi sen nước khi thì nóng quá, khi lại lạnh buốt. Màn ngủ thì thủng, không đứa trẻ nào dám ngồi lên bệ toilet vì quá dơ, đến mức phải nhịn đi nặng suốt thời gian trại. Thậm chí, một bạn trong nhóm con chị Dung bị ngã ở hồ bơi ngay ngày đầu và phải khâu ba mũi do xung quanh có nhiều đá sỏi.
Điều khiến chị Dung bức xúc là khi phản ánh lại với đơn vị tổ chức, chị nhận được thái độ phủ nhận, thậm chí cho rằng các bé “nói dối” và “bịa chuyện”. Trong khi đó, những chi tiết các con kể đều trùng khớp và có tính nhất quán khiến chị càng thêm tin rằng những điều bất cập là có thật.
Con trai anh Hoàng Nam (Hà Nội) cũng vừa tham gia một chương trình trại hè 2 ngày 1 đêm. Khi đến giờ đón con tại điểm hẹn khi chương trình kết thúc, người bố có mặt từ 17h. Tuy nhiên, đến 17h50, ôtô mới về tới nơi và điều khủng khiếp là con anh không có trên xe.
Anh Nam hỏi người phụ trách thì nhận được câu trả lời rằng học sinh đã xuống hết. Trời lúc đó có mưa, khiến ông bố thêm lo lắng, sợ rằng có thể đã không nhìn thấy con do tầm nhìn hạn chế. Anh lập tức hỏi thêm thì được một người khác cho biết có thể cháu đang đi vệ sinh và được đề nghị chờ thêm một lúc.
Sau khoảng 10 phút chờ đợi trong tâm trạng hoang mang, tài xế bất ngờ dắt con trai anh Nam từ trong xe ra. Lúc này, mọi người mới biết rằng bé bị bỏ quên trên ôtô do ngủ say. Câu chuyện khiến anh Nam bàng hoàng vì gợi nhớ đến những sự việc đau lòng từng xảy ra khi học sinh bị bỏ quên trên xe.
Đề phòng rủi ro
Sau khi sự việc xảy ra, phía gia đình chị Ngọc Ly đã nhận được một cuộc gọi từ người quản lý chương trình. Nguời này gửi lời xin lỗi và nhận trách nhiệm.
Từ trải nghiệm lần này, chị Ly rút ra bài học sâu sắc về việc tìm hiểu kỹ từng chi tiết trước khi gửi con đi bất kỳ chương trình nào, dù là trong nước hay quốc tế. Đó không chỉ là chuyện tiền bạc hay thời gian, mà là sự an toàn và cảm xúc của chính những đứa trẻ còn quá nhỏ để tự bảo vệ mình.
Chị Mỹ Dung cho biết chưa nhận được lời xin lỗi chính thức từ phía quản lý của chương trình trại hè. Sự thờ ơ, vô trách nhiệm khiến chị thất vọng, nhưng không làm căng vì bất lực. “Theo tôi, cần rà soát toàn bộ khâu tổ chức, nơi ăn ở, nhà vệ sinh của các con”, người mẹ bày tỏ.
Về phần anh Nam, đây là lần đầu anh cho con trải nghiệm xa gia đình lâu như vậy nhưng lại nhận về sự thất vọng. Anh quyết định từ giờ sẽ tự đưa các con đi du lịch hè, có sự chăm sóc và giám sát của bố mẹ thay vì giao cho đơn vị không uy tín.
![]() |
Ngân Chi hài lòng trong các chuyến trại hè từng tham gia. |
Nhiều phụ huynh khác cũng chia sẻ quan điểm tương tự: không phải trại hè nào cũng phù hợp với mọi đứa trẻ. Việc cho con “bỏ phố về quê” hay “sống khác đi” cần phải có quá trình thích nghi, chuẩn bị tâm lý và thể chất, thay vì đưa con vào môi trường xa lạ và kỳ vọng con tự điều chỉnh.
Điều kiện vệ sinh, đội ngũ giám sát, quy trình xử lý sự cố và cả khả năng hỗ trợ y tế, tâm lý cho trẻ cần được công khai minh bạch và thực hiện đúng như cam kết ban đầu. Chỉ khi đó, trại hè mới thực sự là nơi tạo ra ký ức tích cực cho trẻ, chứ không phải là một bài học đắt giá cho cả gia đình.
Từng cho con tham gia cả trại hè trong nước lẫn quốc tế, chị Trúc Linh (TP.HCM) cho biết trải nghiệm của gia đình mình hoàn toàn khác. Con gái chị, bé Ngân Chi (14 tuổi) từng tham gia nhiều chương trình, mỗi ngày đều được cập nhật thông tin rõ ràng từ ban tổ chức: hôm nay các con ăn gì, chơi gì, có vấn đề gì sức khỏe hay không. Quan trọng nhất là con chị đi về khỏe mạnh, vui vẻ và chủ động xin được đi tiếp vào mùa hè năm sau.
Theo chị Linh, lựa chọn trại hè không chỉ dựa vào lời quảng cáo hay tên tuổi người đứng ra tổ chức. Phụ huynh cần tìm hiểu rõ đơn vị tổ chức là ai, điều kiện sinh hoạt cụ thể thế nào, quy trình xử lý khi có sự cố ra sao. Bản thân chị từng từ chối cho con tham gia một chương trình dù nghe rất hay, vì thấy rõ sự thiếu minh bạch khi tìm hiểu kỹ.
Về phần các bé từng có trải nghiệm “ác mộng” khi tham gia trại hè, các con đều khẳng định “không muốn quay lại lần thứ hai”.
Những đứa trẻ tim rỗng
Hiện nay, ngày càng nhiều em nhỏ mắc phải chứng "tim rỗng". Chúng đạt thành tích cao trong học tập nhưng lại thiếu sức sống và động lực sống nên được gọi là "người rỗng tuếch". Trong quá trình trưởng thành, những đứa trẻ chỉ biết học tập không ngừng nghỉ để đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ, sẽ vô tình bỏ qua cảm xúc và mong muốn của chính mình.