Toyota đứng trước bước ngoặt lịch sử, Chủ tịch Akio Toyoda lần đầu tiên muốn làm điều chưa từng có tại Nhật Bản

Quyết định xuất phát từ một thỏa thuận thương mại mới.

Toyota đứng trước bước ngoặt lịch sử, Chủ tịch Akio Toyoda lần đầu tiên muốn làm điều chưa từng có tại Nhật Bản- Ảnh 1.

Toyota – nhà sản xuất ô tô lớn nhất Nhật Bản – đang đứng trước bước ngoặt chiến lược khi Chủ tịch Akio Toyoda lần đầu tiên bày tỏ mong muốn sẵn sàng bán xe sản xuất tại Mỹ trong thị trường nội địa. Quyết định xuất phát từ một thỏa thuận thương mại mới, theo đó, Nhật Bản đơn giản hóa quy trình chứng nhận an toàn (safety certification) đối với ô tô Mỹ, nhằm đáp ứng các cam kết phá bỏ rào cản phi thuế quan cho xe nhập khẩu.

Ông Akio Toyoda cho biết Toyota có thể xem xét bán các mẫu xe sản xuất tại nhà máy Mỹ – vốn được cung cấp chủ yếu cho thị trường Bắc Mỹ – thông qua mạng lưới đại lý nội địa tại Nhật, tận dụng lợi thế mới từ thỏa thuận. Đây là bước đi chiến lược phản ánh sự thay đổi quan điểm về sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trước đó, theo Reuters, Mỹ đã quyết định giảm mức thuế nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản xuống 15%, thấp hơn mức 27,5% được đề xuất trước đó. Đổi lại, Nhật Bản sẽ mua sản phẩm nông nghiệp, tăng đầu tư vào Mỹ và dỡ bỏ một số hàng rào thương mại, bao gồm cả quy định riêng biệt lên xe ô tô Mỹ. Động thái ngay lập tức tác động tích cực mạnh đến cổ phiếu Toyota.

Toyota đứng trước bước ngoặt lịch sử, Chủ tịch Akio Toyoda lần đầu tiên muốn làm điều chưa từng có tại Nhật Bản- Ảnh 2.

Trong khi thỏa thuận được dư luận hoan nghênh, giới phân tích cảnh báo rằng những mẫu ô tô Mỹ có thể không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Nhật, chẳng hạn như do kích thước xe lớn. Tuy nhiên, Toyoda tin rằng nếu các mẫu xe được lắp ráp theo tiêu chuẩn phù hợp – như Camry, Lexus từ nhà máy Kentucky hoặc Ohio – thì khả năng người Nhật chấp nhận sẽ cao hơn trong tương lai gần.

Giữa bối cảnh thuế quan căng thẳng, giới phân tích nhận định Toyota đang có lợi thế để hấp thụ chi phí nhờ biên lợi nhuận cao (~10% trong năm tài chính gần nhất), song khả năng Toyota mở bán xe Mỹ tại thị trường nội địa vẫn đối mặt nhiều thách thức. Nhiều mẫu xe Mỹ không có phiên bản tay lái nghịch, khó đậu xe và tiêu hao nhiều nhiên liệu.

Về lâu dài, chiến lược này có thể là một phần quan trọng trong động thái của Toyota để tối ưu hóa chuỗi thương mại đảo chiều (reverse logistics). Khi xuất khẩu từ Nhật sang Mỹ gặp thách thức thuế quan, Toyota sẽ tận dụng thị trường nội địa như một biện pháp cân bằng lợi thế trong chuỗi thương mại toàn cầu.

“Chúng tôi không thể kiểm soát những gì diễn ra trong giới chính trị”, ông Toyoda nói về các cuộc đàm phán gần đây. “Chúng tôi sẽ chỉ có thể chuẩn bị những gì mình có thể làm”.

Toyota đứng trước bước ngoặt lịch sử, Chủ tịch Akio Toyoda lần đầu tiên muốn làm điều chưa từng có tại Nhật Bản- Ảnh 3.

Được biết, Toyota là hãng có lịch sử sản xuất ô tô tại Mỹ từ rất sớm. Từ năm 1988, khi nhà máy Toyota Motor Manufacturing Kentucky đi vào hoạt động, chiến lược “build where you sell” (sản xuất nơi tiêu thụ) đã bắt đầu hình thành rõ nét. Đến năm 2023, Toyota đã có hơn 10 nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Bắc Mỹ, sản xuất hơn 2 triệu xe/năm. Riêng nhà máy Kentucky sản xuất khoảng 550.000 xe/năm.

Theo số liệu của Automotive News, hơn 70% số xe Toyota bán tại thị trường Mỹ được sản xuất ngay tại Mỹ. Điều đó không chỉ giúp hãng giảm chi phí logistics và tránh rủi ro từ tỷ giá hối đoái, mà còn là “tấm vé chính trị” để Toyota trở thành một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Khi căng thẳng thương mại nổ ra vào những năm 1980s, chiến lược nội địa hóa sản xuất này đã giúp Toyota tránh được làn sóng bài hàng Nhật và chứng minh thiện chí đầu tư lâu dài.

Toyota không chỉ tạo ra xe tại Mỹ, mà còn tạo ra việc làm. Hơn 30.000 nhân viên chính thức, hàng trăm nghìn việc làm gián tiếp từ các nhà cung cấp và chuỗi bán lẻ là minh chứng cho “quốc tịch thứ hai” của hãng tại thị trường này. Trên thực tế, Toyota hiện là một trong ba hãng xe đóng góp nhiều việc làm nhất trong ngành công nghiệp ô tô Mỹ – chỉ sau General Motors và Ford.

Tuy vậy, chiến lược này không phải không có thách thức. Chi phí sản xuất tại Mỹ cao hơn so với Nhật hay Mexico, đặc biệt là nhân công và năng lượng. Các cuộc đình công của công đoàn UAW năm 2023 cũng khiến dư luận đặt câu hỏi liệu Toyota – vốn không có công đoàn ở các nhà máy tại Mỹ – có thể duy trì sự ổn định dài lâu?

Theo: Nikkei Asia, Reuters