Tổng thống Trump bị suy tĩnh mạch: Nhiều người Việt mắc, có nguy hiểm?

() - Suy tĩnh mạch không chỉ là bệnh của tuổi già, mà ngày càng trẻ hóa và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump được chẩn đoán mắc suy tĩnh mạch mạn tính, một tình trạng phổ biến ở những người trên 70 tuổi.

"Tổng thống Donald Trump gần đây nhận thấy hai chân có dấu hiệu sưng nhẹ. Đây là tình trạng phổ biến và lành tính, đặc biệt ở những người trên 70 tuổi.

Điều quan trọng là không có dấu hiệu về huyết khối tĩnh mạch sâu hay bệnh về động mạch. Tất cả kết quả đều nằm trong ngưỡng bình thường", Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết ngày 17/7.

Tổng thống Trump bị suy tĩnh mạch: Nhiều người Việt mắc, có nguy hiểm? - 1

Hình ảnh cho thấy mu bàn tay của ông Trump bị bầm tím. (Ảnh: Reuters).

Khoảng 60% người Việt mắc phải

Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam - suy tĩnh mạch không nên bị xem nhẹ. Đây là tình trạng hệ thống van trong tĩnh mạch bị suy yếu, khiến máu ứ đọng ở chi dưới và gây ra hàng loạt triệu chứng.

“Người bệnh giai đoạn đầu thường chỉ cảm thấy nặng chân vào chiều tối, mỏi, tê, thỉnh thoảng chuột rút ban đêm hoặc thấy những tĩnh mạch xanh ngoằn ngoèo dưới da. Những triệu chứng này rất dễ bị bỏ qua”, BS Mạnh cho biết.

Tổng thống Trump bị suy tĩnh mạch: Nhiều người Việt mắc, có nguy hiểm? - 2

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam (Ảnh: M.N.).

Số liệu từ các nghiên cứu tại Việt Nam và quốc tế cho thấy khoảng 60% người trưởng thành có biểu hiện suy tĩnh mạch ở các mức độ khác nhau. Phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn gấp 3 lần nam giới, đặc biệt trong giai đoạn mang thai hoặc sử dụng thuốc tránh thai kéo dài.

Không còn là bệnh của tuổi già, suy tĩnh mạch ngày càng trẻ hóa. BS Mạnh cho biết từng điều trị cho nhiều bệnh nhân mới ngoài 25 tuổi, chủ yếu làm công việc văn phòng, ngồi nhiều, ít vận động.

“Những nghề nghiệp phải đứng lâu hoặc ngồi một chỗ nhiều giờ như giáo viên, thợ làm tóc, tài xế, công nhân, nhân viên văn phòng đều có nguy cơ cao. Thói quen ít vận động, béo phì, hút thuốc lá, uống rượu bia cũng góp phần làm tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch chân”, BS Mạnh nói.

Yếu tố di truyền cũng đóng vai trò không nhỏ. Nếu trong gia đình có người từng bị suy giãn tĩnh mạch, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn bình thường. Ngoài ra, việc đi giày cao gót thường xuyên, mặc đồ bó sát… cũng ảnh hưởng đến tuần hoàn chi dưới.

Biến chứng nguy hiểm: Loét chân, huyết khối, đột tử

Tổng thống Trump bị suy tĩnh mạch: Nhiều người Việt mắc, có nguy hiểm? - 3

Hình ảnh chân bệnh nhân bị suy tĩnh mạch nặng (Ảnh: M.N.).

Nhiều người vẫn cho rằng suy tĩnh mạch chỉ gây khó chịu, mất thẩm mỹ. Tuy nhiên, theo BS Mạnh, khi bệnh tiến triển nặng mà không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể đối mặt với hàng loạt biến chứng nguy hiểm.

Loét chân khó lành

Một trong những hậu quả thường gặp ở giai đoạn nặng là loét chân do ứ trệ máu kéo dài. Các vết loét tĩnh mạch thường xuất hiện ở vùng cổ chân, sát mắt cá trong.

Chúng dai dẳng, lâu lành, dễ tái phát và gây đau đớn kéo dài. Nếu không chăm sóc kỹ, có thể dẫn đến bội nhiễm, hoại tử, phải can thiệp ngoại khoa.

Hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu

Máu ứ đọng lâu ngày trong các tĩnh mạch suy yếu có thể tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành.

Nếu huyết khối xuất hiện ở tĩnh mạch sâu của chân, bệnh nhân có thể bị sưng, đau dữ dội, da chuyển màu tím hoặc đỏ. Đây là tình trạng cấp cứu, cần được điều trị ngay.

Nguy cơ đột tử do nhồi máu phổi

Nguy hiểm hơn cả là khi huyết khối bong ra, trôi theo dòng máu lên tim rồi đi vào động mạch phổi, gây tắc nghẽn dòng máu.

“Tình trạng này gọi là thuyên tắc phổi, một biến chứng có thể gây tử vong trong vài phút nếu không được cấp cứu kịp thời”, BS Mạnh cảnh báo.

Triệu chứng của nhồi máu phổi có thể bao gồm: đau ngực dữ dội, khó thở đột ngột, ho ra máu, tim đập nhanh, tụt huyết áp, ngất xỉu. Nhiều trường hợp tử vong trước khi kịp đến bệnh viện.

Điều trị ra sao?

Theo BS Mạnh, việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Với giai đoạn nhẹ, bệnh nhân được khuyến khích thay đổi lối sống: tăng cường vận động, hạn chế đứng/ngồi lâu, giảm cân nếu thừa cân, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia.

Các biện pháp hỗ trợ bao gồm: sử dụng tất áp lực, thuốc tăng độ bền thành mạch. Trường hợp bệnh đã ở độ 2 trở lên, nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, có thể áp dụng các phương pháp can thiệp hiện đại như laser nội mạch, sóng cao tần hoặc keo sinh học để loại bỏ tĩnh mạch bị suy.

“Chúng tôi từng thực hiện laser nội mạch cho bệnh nhân từ năm 2013, đến nay khám lại chưa tái phát. Tuy nhiên, kết quả điều trị phụ thuộc lớn vào ý thức người bệnh trong việc thay đổi thói quen sinh hoạt”, BS Mạnh chia sẻ.