Thức tỉnh khỏi cơn say quyền lực, Elon Musk sốt sắng tìm cách cứu Tesla khỏi đòn giáng của ông Trump, đại sứ Mỹ nói “châu chấu đá xe”

Elon Musk phản đối dự luật ngân sách mới của ông Trump vì lo sợ lợi nhuận Tesla sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thức tỉnh khỏi cơn say quyền lực, Elon Musk sốt sắng tìm cách cứu Tesla khỏi đòn giáng của ông Trump, đại sứ Mỹ nói “châu chấu đá xe”- Ảnh 1.

Elon Musk đã quyên góp hơn 250 triệu USD để ủng hộ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Giờ đây, Musk nhận về một dự luật có thể xóa sổ nguồn lợi nhuận quan trọng của Tesla, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho hãng xe điện này.

Dự luật ngân sách mới được ông Trump ca ngợi là “to đẹp” sẽ vô hiệu hóa hệ thống tín chỉ khí thải liên bang mà Tesla từ lâu đã tận dụng để bán cho các hãng xe truyền thống, tạo ra hàng tỷ USD doanh thu. Musk đã công khai chỉ trích đạo luật này, gọi đây là một “sự ô nhục”. Tỷ phú giàu nhất hành tinh còn đe dọa sẽ tài trợ lật đổ những nghị sĩ ủng hộ dự luật, thậm chí còn tuyên bố có thể thành lập đảng chính trị riêng.

Đáp trả Musk, Tổng thống Trump nói: “Không có trợ cấp, Elon chắc phải đóng cửa và quay về Nam Phi”. Mâu thuẫn leo thang giữa hai nhân vật quyền lực đang đặt các nhà lập pháp Cộng hòa vào thế khó xử và đe dọa nghiêm trọng đến đế chế kinh doanh của Musk.

Tesla đứng trước nguy cơ mất “bát vàng”

Musk công khai phản đối dự luật với lý do lo ngại thâm hụt ngân sách Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định lo ngại lớn hơn của CEO Tesla chính là nguy cơ mất đi “mỏ vàng” từ việc bán tín chỉ khí thải.

Dự luật mới sẽ xóa bỏ mức phạt trong hệ thống tiêu chuẩn hiệu suất nhiên liệu (CAFE), đồng nghĩa các hãng xe không còn động lực mua tín chỉ khí thải từ Tesla để né phạt. Trong khi đó, doanh thu từ tín chỉ khí thải đã trở thành trụ cột lợi nhuận của Tesla. Quý I/2025, công ty ghi nhận 595 triệu USD từ mảng này – cao hơn cả tổng lợi nhuận ròng (409 triệu USD). Năm 2024, Tesla thu về 2,8 tỷ USD từ bán tín chỉ, chiếm 39% lợi nhuận cả năm.

Dù Tesla không công khai chi tiết theo từng thị trường, một nguồn tin nội bộ cho biết khoảng 75% doanh thu tín chỉ đến từ Mỹ. Việc CAFE bị vô hiệu hóa sẽ khiến các hợp đồng tín chỉ hiện tại – dù còn hiệu lực – đối mặt nguy cơ bị hủy sớm nếu có điều khoản miễn trừ trong trường hợp thay đổi luật.

Không chỉ xe điện, các mảng khác cũng bị ảnh hưởng. Tesla còn vận hành mạng lưới 2.600 trạm sạc tại Mỹ, sản xuất pin, mái nhà năng lượng mặt trời và hệ thống lưu trữ điện quy mô lớn. Hầu hết các lĩnh vực này đều đang hưởng ưu đãi hoặc tín dụng thuế liên bang.

Việc chấm dứt khoản tín dụng thuế 7.500 USD cho xe điện – có hiệu lực từ tháng 9 tới – sẽ càng làm gia tăng áp lực lên doanh số vốn đã lao dốc của Tesla. Cùng lúc đó, chính sách thuế không ổn định và cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc cũng có thể gián đoạn chuỗi cung ứng của Tesla.

“Musk đã nhận ra mức độ nghiêm trọng nhưng có lẽ là quá muộn”, một cựu giám đốc Tesla nhận định.

Khó phản công

Musk đe dọa sẽ rót tiền để lật đổ những nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ dự luật. Tuy nhiên, chỉ có một vài nghị sĩ Cộng hòa như Thomas Massie công khai phản đối dự luật và cảm ơn Musk vì hỗ trợ tài chính.

Phần lớn giới doanh nghiệp lại ủng hộ dự luật vì nó gia hạn giảm thuế thu nhập cá nhân. Một số nhà đầu tư công nghệ thân cận với ông Trump như Keith Rabois và Jacob Helberg đã quyên góp hàng triệu USD và hậu thuẫn đạo luật này.

Dù Elon Musk sở hữu tiềm lực tài chính khổng lồ, khả năng phản công của ông chủ Tesla hiện khá hạn chế khi Musk đã rút khỏi vai trò tại Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE). Trong khi đó, dự luật của ông Trump đã được lưỡng viện Quốc hội thông qua và chuẩn bị được ký ban hành.

“Tổng thống Trump mới là người nắm cây gậy lớn hơn trong cuộc chiến này”, cựu Đại sứ Mỹ tại Áo Trevor Traina nhận xét.

Tham khảo: FT