Thế độc quyền toàn cầu của Trung Quốc bị phá: Công ty Australia làm điều chưa từng có tại nước Đông Nam Á

Lynas Rare Earths (Australia) đã trở thành nhà sản xuất đất hiếm nặng đầu tiên bên ngoài Trung Quốc sau khi chế biến thành công dysprosium tại nhà máy ở Malaysia của công ty này.

Theo chuyên trang về khai thác khoáng sản Mining.com, dysprosium là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất nam châm hiệu suất cao được sử dụng để cung cấp năng lượng cho xe điện và tua bin gió. Do tầm quan trọng chiến lược của dysprosium, loại khoáng sản này gần đây đã bị Trung Quốc - nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới - hạn chế xuất khẩu.

Tuy nhiên, vào ngày 16/5, Lynas có trụ sở tại Perth (Australia) đã xác nhận rằng họ đã chế biến thành công lô oxit dysprosium đầu tiên từ nhà máy của Lynas ở Malaysia. Cơ sở này đã đi vào hoạt động từ năm 2012, chủ yếu chế biến đất hiếm nhẹ được sử dụng trong điện thoại thông minh và các ứng dụng quốc phòng.

Thế độc quyền toàn cầu của Trung Quốc bị phá: Công ty Australia làm điều chưa từng có tại nước Đông Nam Á- Ảnh 1.

Nhà máy vật liệu tiên tiến Lynas Malaysia. Ảnh: Lynas

Theo Mining.com, hoạt động chế biến dysprosium của Lynas đánh dấu lần đầu tiên một công ty bên ngoài Trung Quốc sản xuất đất hiếm nặng ở cấp độ thương mại, mặc dù sản lượng không được tiết lộ. Trung Quốc hiện đang thống trị nguồn cung cấp đất hiếm toàn cầu, chiếm khoảng 70% sản lượng khai thác và gần như toàn bộ quá trình chế biến.

Hiện tại, Lynas đang khai thác quặng cho các nhà máy chế xuất của mình từ mỏ Mt Weld, nằm gần Kalgoorlie ở miền Tây Australia. Trữ lượng oxit đất hiếm của mỏ này ước tính lên tới 2 triệu tấn.

"Việc sản xuất dysprosium theo yêu cầu này là một bước tiến quan trọng đối với khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và cung cấp cho khách hàng một tùy chọn tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ một nhà cung cấp bên ngoài Trung Quốc", Amanda Lacaze - Giám đốc điều hành Lynas - cho biết trong một thông cáo báo chí vào ngày 16/5.

Bà nói thêm rằng công ty đã "hợp tác với khách hàng tại Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu" về nguồn cung cấp đất hiếm nặng của mình.

Hồi tháng trước, Lynas đã đưa vào vận hành dây chuyền tách đất hiếm nặng mới tại nhà máy ở Malaysia. Lô sản phẩm dysprosium đầu tiên đã xuất xưởng đúng tiến độ. Lynas dự kiến sẽ sản xuất terbium - một loại đất hiếm khác - vào tháng 6.

Theo Lynas, dây chuyền mới có khả năng tách tới 1.500 tấn đất hiếm nặng mỗi năm.

Trong báo cáo hoạt động theo quý gần đây nhất, Lynas lưu ý rằng giá bán sản phẩm đất hiếm nặng của họ dự kiến sẽ cao hơn so với giá chuẩn ở Trung Quốc, phản ánh "nhu cầu cao" từ khách hàng phương Tây.

Theo tờ Japan Times, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm có thể hỗ trợ các quốc gia đối thủ, đồng thời bị cáo buộc áp đặt hạn ngạch để kiểm soát nguồn cung.

Trong nỗ lực nới lỏng sự kiềm tỏa của Trung Quốc, chính phủ Mỹ đã đồng ý đầu tư 258 triệu USD, ký hợp đồng với Lynas để xây dựng một nhà máy chế biến đất hiếm mới tại Texas.

Thế độc quyền toàn cầu của Trung Quốc bị phá: Công ty Australia làm điều chưa từng có tại nước Đông Nam Á- Ảnh 2.

Thỏi kim loại dysprosium nguyên chất. Ảnh: Strategic Metal Investments

Theo Japan Times, Trung Quốc vào ngày 14/5 đã đình chỉ lệnh hạn chế xuất khẩu đất hiếm và các mặt hàng và công nghệ khác phục vụ mục đích quân sự nhắm vào 28 thực thể của Mỹ như một phần của thỏa thuận hòa hoãn thương mại đạt được giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Động thái này diễn ra sau thỏa thuận giữa Trung Quốc và Mỹ về việc tạm thời hạ thuế quan đối với hàng hóa của nhau — động thái hạ nhiệt lớn đầu tiên trong cuộc chiến thương mại được Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi là "thiết lập lại hoàn toàn" quan hệ song phương.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố rằng việc đình chỉ lệnh hạn chế xuất khẩu có hiệu lực từ ngày 14/5 và sẽ kéo dài trong 90 ngày. Trung Quốc ban đầu đã chặn xuất khẩu bảy loại đất hiếm cho 16 thực thể của Mỹ vào ngày 4/4, sau đó bổ sung 12 thực thể khác vào ngày 9/4.

Theo tuyên bố, trong vòng 90 ngày, các nhà xuất khẩu đất hiếm và các mặt hàng khác có thể sử dụng cho mục đích quân sự được phép nộp hồ sơ cho Bộ Thương mại Trung Quốc để xin giấy phép xuất khẩu.

(Theo Mining.com, Japan Times)