Tập đoàn xây dựng Trung Quốc xếp số 4 thế giới 'ngỏ ý' với Việt Nam: Dấu ấn tại một nước ASEAN 'khủng' cỡ nào?

Là công ty xây dựng lớn thứ tư thế giới tính theo doanh thu, CCCC đã có dấu ấn đáng kể tại Malaysia kể từ những năm 1990.

Báo Chính phủ mới đây đưa tin, trong khuôn khổ chuyến công tác dự Hội nghị thường niên các Nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Thiên Tân) và làm việc tại Trung Quốc, vào ngày 24/6, tại thành phố Thiên Tân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu Trung Quốc trong lĩnh vực đường sắt và hạ tầng giao thông nhằm thúc đẩy hợp tác chiến lược.

Trong buổi tiếp ông Vương Đồng Trụ – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Giao thông Trung Quốc (CCCC), Thủ tướng đánh giá cao hiệu quả hoạt động của CCCC tại Việt Nam trong suốt hơn ba thập kỷ qua, với tổng giá trị các hợp đồng đã hoàn thành vượt mốc 3 tỷ USD, đặc biệt trong các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, đường sắt và đường sắt đô thị.

Tập đoàn xây dựng Trung Quốc xếp số 4 thế giới 'ngỏ ý' với Việt Nam: Dấu ấn tại một nước ASEAN 'khủng' cỡ nào?- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Vương Đồng Trụ - Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng giao thông Trung Quốc (CCCC). Ảnh: VGP

Ông Vương bày tỏ mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư, tham gia vào loạt dự án quan trọng của Việt Nam như tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, các tuyến metro ở Hà Nội và TP.HCM, cảng biển tại Lạch Huyện, Cần Giờ, cùng các dự án đường cao tốc và điện gió ngoài khơi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh định hướng hợp tác dài hạn của CCCC, đồng thời nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ xây dựng hạ tầng đường sắt, hướng tới tự chủ công nghệ trong lĩnh vực này. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị CCCC phối hợp với các đơn vị như Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội và TP.HCM để nghiên cứu triển khai cụ thể. Đặc biệt, Thủ tướng khuyến khích tập đoàn nghiên cứu mô hình hợp tác đối tác công tư (PPP) tại Việt Nam.

Dấu ấn của CCCC ở Malaysia

Tờ The Edge Malaysia mới đây đưa tin, đối với những người chưa biết, nhờ việc thi công dự án Đường sắt liên kết bờ Đông (ECRL) dài 665 km tại Malaysia, nhà thầu chính của dự án, China Communications Construction Co Ltd (CCCC), đã lọt vào “tầm ngắm” của chính phủ Malaysia.

Tuy nhiên, mặc dù ECRL là dự án lớn nhất của CCCC tại Malaysia, nhưng không thể hiện đầy đủ mức độ hiện diện của CCCC tại nước này. Là công ty xây dựng lớn thứ tư thế giới tính theo doanh thu, CCCC đã có dấu ấn đáng kể tại Malaysia kể từ những năm 1990, chủ yếu thông qua công ty con China Harbour Engineering Co Ltd (CHEC).

Theo The Edge Malaysia, CCCC có trụ sở chính tại Bắc Kinh, quản lý các dự án tại hơn 150 quốc gia bằng cách phân công cho các công ty con của mình. Tại Malaysia, trách nhiệm này chủ yếu thuộc về CHEC, bao gồm cả dự án ECRL, mặc dù các công ty con khác của CCCC cũng đang tìm kiếm các cơ hội tại quốc gia này.

Các dự án gần đây đã hoàn thành bởi CHEC tại Malaysia bao gồm đường dây truyền tải điện 275 kV trên mặt nước dài 8 km từ Prai đến Pulau Pinang. Dự án đã hoàn thành sau ba năm thi công vào tháng 11/2024.

Tại bang Sabah của Malaysia, dự án mở rộng cầu cảng của bến cảng Sapangar Bay Oil Terminal đã hoàn thành trong ba năm vào tháng 9/2023.

Các dự án khác mà CHEC tham gia bao gồm: Đường cao tốc Damansara-Shah Alam (DASH) và Đường cao tốc Sungai Besi-Ulu Kelang (SUKE); Ụ tàu khô số 3 của Malaysia Marine Heavy and Engineering Bhd tại Johor; và cải tạo đất cho Westports Holdings Bhd.

Một dự án đang được triển khai là giai đoạn đầu tiên của công trình cải tạo hơn 250 hecta tại Cảng Kuala Linggi ở bang Melaka, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2027.

Hiện tại, CHEC cũng tham gia dự án Đường liên kết Hệ thống Vận tải Nhanh (RTS) giữa Malaysia và Singapore. Dự án này bao gồm lắp đặt một đoạn cầu ở Malaysia cũng như các công trình đường ray ở Singapore.

Tập đoàn xây dựng Trung Quốc xếp số 4 thế giới 'ngỏ ý' với Việt Nam: Dấu ấn tại một nước ASEAN 'khủng' cỡ nào?- Ảnh 2.

Dự án Đường sắt liên kết bờ Đông (ECRL) dài 665 km tại Malaysia có nhà thầu chính là China Communications Construction Co Ltd (CCCC). Ảnh: Carz

Tại bang Sarawak, công ty đang xây dựng Tuyến đường sắt Đỏ dài 12,4 km, 8 nhà ga của Hệ thống giao thông đô thị Kuching (KUTS), bao gồm một tuyến đường sắt trên cao dài 6,8 km và một tuyến đường sắt trên mặt đất dài 5,6 km, dự kiến hoàn thành vào tháng 12 năm sau.

CHEC cũng đang tiến hành xây dựng một phần đường cao tốc dài 28 km — một phần của Đường trục chính Sarawak thứ hai — từ Sebuyau đến Lingga, Samarahan và Sri Aman, thuộc bang Sarawak, dự kiến bàn giao vào tháng 2/2026. Tổng cộng, công ty có ba gói thầu trên đường trục chính, bao gồm cầu Sungai Sarawak đã hoàn thành vào tháng 3 năm ngoái.

Ngoài ra, công ty cũng đã thực hiện dự án liên quan đến Tuyến tàu điện LRT Ampang, Tuyến MRT1, Cầu Penang thứ hai, Cảng Kuantan, Bến tàu Terengganu Silica Bulk, Đường cao tốc Pan Borneo ở Sarawak, Khu nghỉ dưỡng Cảng Sutera ở Sabah và các công trình cải tạo ở Pulau Indah, Selangor.

Duy Nguyễn

Theo Báo Chính phủ, Quân đội Nhân dân, The Edge Malaysia