Steve Jobs từng ‘dằn mặt’ đối thủ để giữ luật ngầm cho giới công nghệ, nhưng Mark Zuckerberg giờ đây lại đang đảo lộn mọi thứ

Chỉ trong 20 năm, luật ngầm mà Steve Jobs từng đặt ra cho ngành công nghệ đã bị phá vỡ khi Mark Zuckerberg chính thức tuyên chiến với những tấm séc hàng trăm triệu USD.

Steve Jobs từng ‘dằn mặt’ đối thủ để giữ luật ngầm cho giới công nghệ, nhưng Mark Zuckerberg giờ đây lại đang đảo lộn mọi thứ- Ảnh 1.

"Bruce,

Adobe đang tuyển dụng người của Apple. Các anh đã tuyển 1 người rồi và đang tuyển thêm nhiều nữa. Tôi có chính sách cố định với các nhà tuyển dụng của mình rằng chúng tôi không tuyển dụng từ Adobe. Có vẻ như bên anh có chính sách khác. Một trong số chúng ta phải thay đổi chính sách của mình. Vui lòng cho tôi biết là ai sẽ phải thay đôi.

Steve."

Đây là bức email nổi tiếng của cố nhà sáng lập Steve Jobs của Apple từng viết cho CEO Bruce Chizen năm 2005 nhằm "dằn mặt" đối thủ vì cướp nhân tài từ nhà táo khuyết.

Steve Jobs, huyền thoại quá cố của Apple, từng nổi tiếng với thái độ cứng rắn và căm ghét việc các công ty công nghệ "cướp" nhân tài của nhau. Ông đã từng thẳng thừng gửi email cho CEO Adobe và thậm chí đe dọa "chiến tranh" với Google khi họ cố gắng tuyển dụng nhân sự từ Apple.

Steve Jobs từng ‘dằn mặt’ đối thủ để giữ luật ngầm cho giới công nghệ, nhưng Mark Zuckerberg giờ đây lại đang đảo lộn mọi thứ- Ảnh 2.

Hành động này sau đó được phơi bày là một phần của thỏa thuận ngầm chống cạnh tranh tuyển dụng giữa các ông lớn Thung lũng Silicon, dẫn đến những án phạt hàng trăm triệu USD.

Thế nhưng chỉ 20 năm sau, nhìn vào những gì đang diễn ra trên thị trường nhân sự AI hiện nay, có vẻ như Mark Zuckerberg của Meta Platforms đang làm chính xác điều mà Steve Jobs ghét cay ghét đắng: ném tiền vào cuộc chiến giành giật nhân tài AI một cách không giới hạn với tốc độ và quy mô mà ngay cả nhà sáng lập táo khuyết cũng khó tưởng tượng nổi.

Tờ Wired đã đưa tin về những gói lương "khủng" lên tới 300 triệu USD trong 4 năm mà Meta đưa ra để chiêu mộ các kỹ sư hàng đầu. Dù Meta tranh cãi về cách diễn giải, thực tế là sự cạnh tranh về nhân sự AI đang nóng bỏng hơn bao giờ hết, và nó đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện thị trường lao động công nghệ.

Tôn ti trật tự

Trong kỷ nguyên của Steve Jobs, các công ty lớn có vẻ như muốn duy trì một "tôn ti trật tự" ngầm, nơi họ tránh đối đầu trực tiếp trong việc tuyển dụng. Điều này được cho là để kìm hãm mức lương và duy trì sự ổn định nội bộ.

Không lâu sau bức email đầy lạnh lùng và thẳng thắn gửi cho CEO Adobe, các tài liệu nội bộ rò rỉ cho thấy Apple, Google, Intel và hàng loạt ông lớn khác đã tham gia vào thỏa thuận ngầm không "cướp nhân viên" lẫn nhau. Họ bị cáo buộc dìm lương kỹ sư bằng cách bóp nghẹt sự dịch chuyển tự do của lao động. Vụ kiện lớn của Bộ Tư pháp Mỹ đã kết thúc với khoản bồi thường gần 500 triệu USD.

Thế nhưng triết lý này đã bị phá vỡ hoàn toàn trong cuộc chiến giành giật tài năng AI bởi các kỹ sư bắt đầu nắm toàn bộ lợi thế. Steve Jobs từng xem việc tuyển người từ công ty khác như một hành vi "chiến tranh". Giờ đây, trong thời đại AI, chiến tranh đó đã thực sự nổ ra.

Nếu trước đây, quyền lực nằm trong tay các công ty, thì giờ đây, các kỹ sư AI hàng đầu đang ở thế thượng phong. Họ được săn đón như những ngôi sao thể thao, với những gói đãi ngộ không tưởng. Điều này tạo ra một sự mất cân bằng lớn, gây ra sự "ganh tị, đố kỵ và bất lực" trong các cấp nhân sự khác.

Tiếp đó, việc Mark Zuckerberg vung tiền khiến chuyện thu nhập, lương lâu lên ngôi, tạo nên thế khó cho doanh nghiệp. Các gói lương khổng lồ cho thấy tiền đang đóng vai trò quyết định trong việc thu hút nhân tài.

Mark Zuckerberg không giấu giếm ý định thống trị lĩnh vực AI. Với khoản đầu tư hàng chục tỷ USD vào hạ tầng và mô hình AI, Meta đang tìm mọi cách để hút máu nhân sự từ các đối thủ lớn – đặc biệt là OpenAI. Theo một số nguồn tin, Meta đã tiếp cận nhiều nhân sự chủ chốt của startup này và thậm chí từng cố gắng mua lại cả nhóm nghiên cứu do Ilya Sutskever – đồng sáng lập OpenAI – dẫn đầu.

Dù Sutskever từ chối, CEO đi cùng ông – Daniel Gross – đã đầu quân cho Meta. Trong một ngành mà con người là tài sản quý giá nhất, những cuộc "chuyển nhượng" như thế không khác gì hành vi "tuyên chiến".

Steve Jobs từng ‘dằn mặt’ đối thủ để giữ luật ngầm cho giới công nghệ, nhưng Mark Zuckerberg giờ đây lại đang đảo lộn mọi thứ- Ảnh 3.

Điều này hoàn toàn trái ngược với mong muốn của Jobs trong việc duy trì một "văn hóa" không cạnh tranh về lương. Các công ty sẵn sàng chi trả bất cứ giá nào để có được những bộ óc xuất chúng nhất, những người có thể tạo ra đột phá trong lĩnh vực AI.

Sự thay đổi này cho thấy một thực tế: luật chơi của thị trường lao động công nghệ đã thay đổi hoàn toàn. Những thỏa thuận ngầm, những email "dằn mặt" như thời Jobs không còn đất sống.

Giờ đây, nhân tài – đặc biệt là trong lĩnh vực AI – nắm quyền lực tối thượng. Họ được săn đón, được trả lương cao, và có thể chọn làm việc cho công ty lớn hay tự khởi nghiệp với vốn từ Andreessen Horowitz, Intel Capital hoặc Sequoia.

"Không cần một đội ngũ hàng trăm người để tạo ra một sản phẩm AI đột phá," một nhà tuyển dụng nhận định. "Chỉ một kỹ sư xuất sắc là đủ để lật ngược thế cờ."

Với việc không cần quá nhiều kỹ sư để xây dựng một sản phẩm AI đột phá, các kỹ sư tài năng có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết. Họ có thể nhận những lời đề nghị khủng từ các công ty lớn, hoặc thậm chí dễ dàng gọi vốn để tự thành lập startup của riêng mình. Điều này buộc các công ty phải thực sự tạo ra một môi trường làm việc hấp dẫn, thay vì chỉ dựa vào danh tiếng hay những thỏa thuận ngầm.

Và đó là lý do vì sao các công ty như Meta, OpenAI hay Google DeepMind đang tung ra những con số mà trước đây chỉ thấy trong giới đầu tư mạo hiểm.

Lời cảnh cáo từ quá khứ

Tuy nhiên, cơn sốt săn đầu người này cũng gây ra hệ lụy nội bộ đáng lo ngại. Khi một vài cá nhân nhận được khoản đãi ngộ gấp hàng chục lần đồng nghiệp, văn hóa công ty và tinh thần đội nhóm bắt đầu rạn nứt.

Giám đốc Nghiên cứu (Chief Research Officer) Mark Chen của OpenAI từng mô tả việc bị "cướp người" khiến ông có cảm giác "như bị đột nhập vào nhà và lấy đi một phần linh hồn công ty".

Thậm chí CEO Sam Altman của OpenAI cũng hiểu rằng việc cố gắng ngăn cản tuyển dụng bằng những thỏa thuận ngầm như Steve Jobs từng mong muốn là điều không tưởng trong bối cảnh hiện tại. Thay vào đó, các công ty AI đang cố gắng lôi kéo nhân tài bằng "sứ mệnh" và "mục tiêu" cao cả.

Steve Jobs từng ‘dằn mặt’ đối thủ để giữ luật ngầm cho giới công nghệ, nhưng Mark Zuckerberg giờ đây lại đang đảo lộn mọi thứ- Ảnh 4.

Để phản công, OpenAI không chọn cách trả lương cao hơn mà tập trung vào tuyên truyền "sứ mệnh". CEO Sam Altman nhấn mạnh với nhân viên rằng họ không chỉ làm việc – mà đang viết nên lịch sử: xây dựng trí tuệ nhân tạo tổng quát vì tương lai nhân loại.

"Những người có sứ mệnh sẽ chiến thắng những kẻ chạy theo tiền bạc," Altman viết trong một thông điệp nội bộ.

Nhưng liệu lời hiệu triệu ấy có đủ sức giữ chân nhân tài khi ngoài kia, Mark Zuckerberg đang chìa ra tấm séc trăm triệu USD?

Tóm lại, Steve Jobs từng chiến đấu để giữ người bằng cách áp đặt giới hạn lên đối thủ nhưng Mark Zuckerberg thì giữ người và giành người bằng cách phá vỡ mọi giới hạn.

Trong kỷ nguyên AI, những chiến lược nhân sự kiểu cũ không còn giá trị, Mark Zuckerberg không thể hành động như Steve Jobs. Thay vào đó là một thị trường tự do, nơi kỹ sư giỏi là "vua", và các công ty phải thuyết phục họ không chỉ bằng tiền, mà bằng tầm nhìn, tốc độ và cả niềm tin.

Bởi vậy dù Steve Jobs có thể "ghét cay ghét đắng" việc cướp nhân tài bằng tiền nhưng có lẽ chính ông – nếu còn sống – cũng sẽ phải thích nghi.

Rõ ràng cuộc chiến giành giật nhân tài giờ đây là một cuộc chiến công khai, nơi tiền bạc và sứ mệnh đều được đưa ra để thu hút những bộ óc vĩ đại nhất.

Câu hỏi đặt ra là, liệu những "sứ mệnh" cao cả có đủ sức nặng để giữ chân nhân tài trước những gói đãi ngộ khổng lồ, hay chúng ta sẽ chứng kiến một kỷ nguyên mới của sự dịch chuyển nhân sự chưa từng có tiền lệ?

*Nguồn: Fortune, BI