Phát hiện chấn động về vật thể ở "nơi tận cùng thời gian"

Kính viễn vọng không gian James Webb đã lập kỷ lục mới với vật thể siêu đỏ MoM-z14, thiên hà tồn tại ở nơi vũ trụ vừa thoát khỏi vùng hỗn mang.

Nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi TS Rohan Naidu từ Viện nghiên cứu Vật lý thiên văn và không gian Kavli của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) đã sàng lọc dữ liệu của James Webb và xác định vật thể MoM-z14, là thiên hà cổ xưa nhất từng được biết đến.

Vật thể này tồn tại khi vũ trụ mới chỉ 280 triệu tuổi và ánh sáng từ nó đã mất hơn 13,5 tỉ năm để chạm đến kính viễn vọng của người Trái Đất, phơi bày hình ảnh quá khứ sống động.

Phát hiện chấn động về vật thể ở "nơi tận cùng thời gian"- Ảnh 1.

Vật thể siêu đỏ MoM-z14 là thiên hà cổ xưa nhất nhân loại từng biết đến - Ảnh: NASA/ESA/CSA

Niên đại của MoM-z14 được tính toán bằng độ dịch chuyển đỏ cực kỳ ấn tượng z = 14,4.

Độ dịch chuyển đỏ là hiện tượng ánh sáng từ các thiên hà xa xôi bị kéo giãn thành bước sóng dài hơn (ngả về phía đỏ của quang phổ) do sự giãn nở của vũ trụ, cho biết chúng đang di chuyển ra xa chúng ta và cách xa đến mức nào.

Nó cũng khiến MoM-z14 hiện ra như một vật thể siêu đỏ bí hiểm.

Các quan sát cũng cho thấy hầu hết ánh sáng của thiên hà đến từ các ngôi sao, không phải từ một lỗ đen đang ngấu nghiến vật chất.

Điều đó hết sức thú vị: MoM-z14 có khả năng chứa một số ngôi sao siêu lớn sáng, loại sao mà các lý thuyết đã dự đoán là tồn tại khi vũ trụ 13,8 tỉ tuổi của chúng ta hãy còn sơ sinh.

Tỉ lệ nitơ-carbon của thiên hà này cao hơn so với tỉ lệ quan sát được ở Mặt Trời. Nó sở hữu thành phần hóa học giống một số cụm sao cầu cổ đại còn sót lại bên trong thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà).

Nói cách khác, nhìn vào MoM-z14, chúng ta đang trực tiếp chứng kiến cách mà các "hóa thạch của vũ trụ" bên trong thiên hà của chúng ta hình thành trong quá khứ.

Với tuổi đời đáng kinh ngạc, MoM-z14 cũng có thể là một trong các vật thể đầu tiên của kỷ nguyên Tái ion hóa, là giai đoạn các ngôi sao đầu tiên ra đời bên trong các thiên hà đầu tiên, thắp sáng vũ trụ, đưa vũ trụ khỏi Thời kỳ tăm tối.

Thời kỳ tăm tối là giai đoạn vũ trụ nguội đi sau khi kết thúc giai đoạn "nồi súp nguyên thủy" nhưng chưa kịp có ánh sáng sao.

Trước đây, các nhà khoa học tin rằng Thời kỳ tăm tối bắt đầu khoảng vài trăm ngàn năm sau sự kiện Vụ nổ Big Bang và kết thúc vào khoảng 800 triệu năm hậu Big Bang.

Sự tồn tại của MoM-z14 là minh chứng cho thấy ánh sáng đầu tiên trong vũ trụ đã xua tan thời kỳ này sớm hơn rất nhiều.