Nhật Bản tổn thất 15 tỷ USD khi đồng Yen mạnh lên

Khi đồng Yen tăng giá trở lại, bức tranh lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu thay đổi rõ rệt.

Doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến chịu tổn thất 15 tỷ USD khi đồng Yen mạnh lên - Ảnh: Kyodo

Doanh nghiệp Nhật Bản dự kiến chịu tổn thất 15 tỷ USD khi đồng Yen mạnh lên - Ảnh: Kyodo

Các tập đoàn lớn của Nhật Bản dự kiến sẽ chịu tổng thiệt hại 2.200 tỷ Yen (tương đương 15,3 tỷ USD) lợi nhuận kinh doanh trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2026, nếu tỷ giá Yen duy trì quanh mức hiện tại là 143 Yen đổi 1 USD. Điều này sẽ chấm dứt chuỗi 5 năm đồng yen yếu giúp thúc đẩy lợi nhuận của các nhà xuất khẩu.

Con số này dựa trên dữ liệu từ 39 công ty thuộc chỉ số Nikkei trung bình (Nikkei Stock Average) đã công bố ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến lợi nhuận kinh doanh.

Tỷ giá hối đoái trung bình dự kiến cho 39 công ty là khoảng 143 Yen đổi 1 USD - mạnh hơn khoảng 9 Yen so với tỷ giá thực tế của năm tài chính trước.

Tổng lợi nhuận hoạt động dự kiến của 38 công ty trong số đó - không bao gồm Nissan Motor, công ty đã công bố tác động dự kiến của tỷ giá hối đoái nhưng để ngỏ khả năng xác định lợi nhuận hoạt động dự kiến - giảm 13% so với năm tài chính trước đó ở mức 13.200 tỷ yen.

Nếu không có tác động của tỷ giá hối đoái, lợi nhuận hoạt động chung sẽ tăng 1%.

Tập đoàn Toyota Motor sẽ phải đối mặt với khoản lợi nhuận lớn nhất bị ảnh hưởng bởi tỷ giá hối đoái, ở mức 745 tỷ Yen. Tỷ giá hối đoái dự kiến cho cả năm là 145 Yen đổi 1 USD.

Các nhà sản xuất ô tô, vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá hối đoái. Lợi nhuận hoạt động tại 7 nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản sẽ giảm 1.500 tỷ yen do tỷ giá hối đoái. Năm tài chính trước, đồng yên yếu đã giúp lợi nhuận hoạt động của họ tăng khoảng 640 tỷ yen.

Các nhà sản xuất máy móc và thiết bị điện cũng sẽ cảm nhận rõ được tác động. Komatsu đã đặt tỷ giá hối đoái giả định ở mức 135 Yen đổi 1 USD, mạnh hơn khoảng 18 Yen so với năm tài chính trước. Lợi nhuận trong mảng xây dựng, khai thác và thiết bị tiện ích sẽ bị ảnh hưởng 133 tỷ Yen trong năm tài chính này.

Masaharu Mizukami, Giám đốc điều hành tại nhà sản xuất máy móc chính xác lớn Seiko Epson cho biết: “Tỷ giá hối đoái đang dao động mạnh do tác động của các chính sách của Mỹ. Chúng tôi đã chuẩn bị cho rủi ro đồng Yen tăng giá nhanh chóng lên 130-135 Yen đổi 1 USD”.

Trong những năm gần đây, đồng yen yếu đã hỗ trợ cho thu nhập của công ty. Lợi nhuận hoạt động của 39 công ty lớn trong năm kết thúc vào tháng 3/2024 đã tăng 1.540 tỷ Yen so với năm tài chính trước đó nhờ chênh lệch tỷ giá hối đoái. Trong năm kết thúc vào tháng 3/2025, họ đã nhận được khoản tăng 1.240 tỷ Yen.

Do tác động tiêu cực của đồng yen mạnh và thuế quan của Mỹ, tổng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên thị trường cao cấp Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo dự kiến sẽ giảm 7% so với năm trước - mức giảm đầu tiên trong 6 năm.

Một số công ty đang thực hiện các bước để ngăn ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái. Nhà bán đồ nội thất Nitori Holdings cho biết, họ đã thiết lập hợp đồng hối đoái kỳ hạn ở mức 147,65 Yen đổi 1 USD cho năm tài chính này.

Đối với Nitori - công ty mua hoặc sản xuất khoảng 90% sản phẩm của mình ở nước ngoài, đồng Yen mạnh có thể giảm chi phí mua sắm. Ổn định chi phí thông qua hợp đồng hối đoái kỳ hạn sẽ giúp công ty linh hoạt phát triển các sản phẩm mới.

Đồng Yen mạnh cũng khuyến khích các công ty Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài.

Chủ tịch Mitsubishi Corp. Katsuya Nakanishi chia sẻ về các khoản đầu tư tăng trưởng trong môi trường kinh doanh hiện tại: “Sự bất ổn bắt nguồn từ Mỹ đang ảnh hưởng đến cả tỷ giá hối đoái và cổ phiếu”, “cũng có một số trường hợp các quỹ đầu tư tư nhân, vốn là đối thủ cạnh tranh của chúng tôi, đang kiềm chế đầu tư. Tôi nghĩ điều này sẽ dẫn đến nhiều cơ hội kinh doanh hơn”.

Chiến lược gia Kenji Abe của Daiwa Securities cho biết, ông kỳ vọng tỷ giá hối đoái “sẽ duy trì trong khoảng từ 140-150 Yen đổi 1 USD, nhưng nếu Mỹ cắt giảm lãi suất vào mùa hè này, đồng yen có thể tăng vọt lên mức 130 Yen đổi 1 USD”.