Người phụ nữ điều trị tâm thần vì đam mê chứng khoán

() - Người phụ nữ 36 tuổi ở Hà Nội được gia đình "ép" đưa đến Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khám, do mê mệt chơi chứng khoán, thua lỗ lại tìm cách vay khắp nơi để đầu tư gỡ gạc.

Nhập viện vì điên cuồng đầu tư chứng khoán

Chiều 12/5, tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí về bệnh rối loạn cờ bạc, TS.BS Lê Thị Thu Hà, Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ trường hợp một phụ nữ 36 tuổi (Hà Nội) có 4 con nhỏ, ở nhà chăm con và đam mê đầu tư chứng khoán với mong muốn kiếm tiền, phụ chồng nuôi con.

Người phụ nữ điều trị tâm thần vì đam mê chứng khoán - 1

TS.BS Lê Thị Thu Hà cùng các bác sĩ trao đổi về bệnh lý rối loạn cờ bạc (Ảnh: Thế Anh).

Sau khi tốt nghiệp đại học, chị cũng đi làm. Sau khi lấy chồng, chị sinh con rất gần nhau, 4 đứa con liên tiếp ra đời nên chị ở nhà chăm con. Muốn phụ chồng kiếm tiền, chị bắt đầu đầu tư chứng khoán.

Thời gian 1-2 năm đầu, chị cũng túc tắc kiếm được chút tiền lãi nên ngày càng đam mê, đầu tư to hơn. Sau nhiều lần "cơ cấu lại danh mục", chị trắng tay, mất hết cả vốn, lãi, và ôm rất nhiều khoản nợ nần vay mượn người thân, thậm chí cắm chứng minh thư vay nặng lãi.

Khi gia đình phát hiện tình trạng này đã "tịch thu" điện thoại để chị không thể vào mạng, chị lại xoay xở kiếm cái khác. Rồi giấy tờ cá nhân cũng phải thay đổi liên tục vì chị luôn dùng để cắm vay nợ.

Người phụ nữ điều trị tâm thần vì đam mê chứng khoán - 2

Người phụ nữ phải điều trị bệnh rối loạn cờ bạc vì đam mê chứng khoán (Ảnh minh họa: PV).

Cả nhà thậm chí phải tìm cách bán nhà ở Hà Nội để trả nợ, về quê Thái Bình sinh sống. Người chồng khi đưa vợ đến viện khám, chỉ với mong muốn vợ không phát sinh bất cứ khoản vay nào nữa, để anh có thể làm việc nuôi con, trả dần nợ nần.

TS tâm lý Trịnh Thị Thanh Hương, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết, khi gia đình ép đưa đến viện khám, bệnh nhân nghĩ mình không có vấn đề gì, và cho rằng chồng cố tình ép cô đi viện tâm thần.

Tuy nhiên khi khai thác thông tin, bác sĩ nhận thấy chị có tình trạng lo âu, trầm cảm, thậm chí nhiều lần nghĩ đến cái chết, nhưng nghĩ đến 4 đứa con nheo nhóc, chị lại vượt qua được.

"Tình cảnh bệnh nhân lúc đó cũng rất bức bách, do người chồng gây sức ép, chỉ muốn vợ ở nhà chăm con, không cho đi làm. Bác sĩ ngoài điều trị cho bệnh nhân, cũng phải gặp tư vấn riêng với người chồng, để anh chấp nhận cho vợ đi làm như người bình thường, chia sẻ nợ nần do mình gây ra. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân ổn định", TS Hương nói.

Tâm lý "gần chiến thắng" thôi thúc người rối loạn cờ bạc chơi tiếp

Bác sĩ Cao Thị Ánh Tuyết, Viện Sức khỏe Tâm thần chia sẻ về nam bệnh nhân rối loạn cờ bạc mà chị đang điều trị.

Nam bệnh nhân trước đó làm việc ở công ty nước ngoài có thu nhập khá. Trong thời gian này, anh chơi bạc, có thắng, có thua, có vay mượn bạn bè nhưng vẫn tự trang trải được chi phí này nhờ tiền lương.

Trước đó, từ thời sinh viên, nam thanh niên đã chơi cá độ bóng đá. Số tiền và thời gian chơi tăng lên, dẫn đến nghiện cờ bạc.

Đến khi công ty ngừng hoạt động, bệnh nhân xin việc nơi khác không được, bệnh nhân tự kinh doanh, khó khăn về tài chính khiến vợ chồng thêm mâu thuẫn và đã ly hôn.

Bất mãn, áp lực, anh bỏ nhà đi chơi tài xỉu, cá độ tại quán net, có khi cả tháng không về nhà, mặc kệ con nhỏ, bố mẹ già.

Có những tháng anh tiêu 60-80 triệu cho cờ bạc, vay mượn khắp nơi, nói dối để có tiền chơi tiếp.

Bệnh nhân đã nhiều lần cố cai nghiện cờ bạc nhưng lại thất bại, rơi vào tình trạng tự ti, suy sụp tinh thần, không dám gặp người thân, bạn bè.

Theo TS Hà, những người bị rối loạn cờ bạc phần lớn là thua, nhưng họ luôn có suy nghĩ họ không bị thua liên tục, mà ở trạng thái "gần chiến thắng". Vì suy nghĩ này mà họ bị kích thích, lặp lại cho lần chơi sau với mong muốn chiến thắng.

Theo TS Hà, những người mắc rối loạn cờ bạc trong cộng đồng khá đông, nhưng rất ít người đi khám để được tư vấn và điều trị.

Trạng thái rối loạn cờ bạc cũng rất phong phú, có người chỉ chuyên cá độ online, có bạn chỉ cá độ giải ngoại hạng Anh...

"Tuy nhiên, không ai nghĩ đam mê đó là bất thường nên thường đến viện muộn. Trong khi đó, với rối loạn cờ bạc, nếu phát hiện sớm để được điều trị kịp thời, sẽ hiệu quả", TS Hà nói.

Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Viện Sức khỏe Tâm thần cho biết: Nghiện cờ bạc hay trò chơi may rủi, là một rối loạn tâm thần có thể so sánh với nghiện rượu và ma túy. Cũng như các chứng nghiện khác, hệ thống tưởng thưởng của não bị rối loạn.

Họ bị thôi thúc để tiếp tục đánh bạc, không thể kiểm soát được, bất chấp số tiền phải trả cho trò chơi và những ảnh hưởng đến cuộc sống.

Trước khi thực hiện hành vi, cá nhân thường trải qua sự căng thẳng và hưng phấn gia tăng, đôi khi hòa trộn với niềm vui mong đợi. Việc hoàn thành hành động mang lại sự thỏa mãn và giải tỏa ngay lập tức.

Các triệu chứng có thể nhận diện người bị rối loạn cờ bạc gồm:

- Nhu cầu đánh bạc với số tiền ngày càng tăng để đạt được sự hưng phấn mong muốn.

- Bồn chồn hoặc cáu kỉnh khi cố gắng cắt giảm hoặc ngừng đánh bạc.

- Đã nhiều lần nỗ lực không thành công để kiểm soát, cắt giảm hoặc ngừng cờ bạc.

- Thường bận tâm đến cờ bạc.

- Thường đánh bạc khi cảm thấy đau khổ (ví dụ: bất lực, tội lỗi, lo lắng, chán nản).

- Sau khi thua bạc trong cờ bạc, thường quay trở lại vào một ngày khác để hòa vốn ("đuổi theo" số tiền thua lỗ).

- Nói dối để che giấu mức độ liên quan đến cờ bạc.

- Đã gây nguy hiểm hoặc mất đi một mối quan hệ, công việc, hoặc cơ hội giáo dục hoặc nghề nghiệp quan trọng vì cờ bạc.

- Dựa vào người khác để cung cấp tiền để giảm bớt các tình huống tài chính tuyệt vọng do cờ bạc gây ra.

Bác sĩ cho biết, điều trị những người rối loạn cờ bạc ngoài thuốc còn cần trị liệu tâm lý, các liệu pháp hóa dược...

Rối loạn cờ bạc là một loại bệnh cần điều trị, nhưng không phải ai cũng biết bản thân, người thân biết con mình bị bệnh.

Nếu có 4/5 triệu chứng trên đã đủ tiêu chuẩn chẩn đoán có rối loạn cờ bạc. Vì thế, bất cứ hành vi nào liên quan đến cá độ, cờ bạc, game cá độ..., mà người chơi có một trong các triệu chứng trên nên đi khám sớm để được chẩn đoán, điều trị.