Người đàn ông tử vong vì nhiễm căn bệnh “hiểm” khi ngã ở sân nhà

() - Trong lúc đi dạo ở sân nhà, người đàn ông trượt chân ngã và bị gạch cắt trúng đầu gối phải. Ông chỉ ra trạm y tế khâu vết thương rồi về nhà tự theo dõi, nhưng sau đó phải trả giá bằng tính mạng.

Ngày 7/7, nguồn tin của phóng viên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, nơi đây vừa có một trường hợp bệnh nhân không qua khỏi vì biến chứng nặng sau khi nhiễm căn bệnh nhiễm trùng cấp tính.

Bệnh nhân là ông P. (ngụ tỉnh Tây Ninh). Theo bệnh sử, trước đó trong lúc đi dạo ở sân nhà, ông P. trượt chân ngã và bị gạch cắt trúng, gây vết thương dài, sâu ở đầu gối phải.

Ông P. được gia đình đưa đi sơ cứu, khâu vết thương tại trạm y tế địa phương, nhưng chủ quan không tiêm phòng uốn ván. 5 ngày sau đó, người đàn ông xuất hiện tình trạng sốt, khó há miệng tăng dần, khó nuốt và bụng cứng.

Người đàn ông tử vong vì nhiễm căn bệnh “hiểm” khi ngã ở sân nhà - 1

Khoa ICU, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Biên Thùy).

Thấy có dấu hiệu nguy hiểm, gia đình đưa ông đến một bệnh viện ở TPHCM cấp cứu. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm uốn ván nặng và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để điều trị chuyên sâu.

Bác sĩ Lưu Minh Khoa, khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn (ICU), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, cho biết khi nhập viện, ông P. còn tỉnh táo nhưng đã có dấu hiệu cứng hàm, dễ bị sặc và hay gồng cứng toàn thân. Trên đầu gối bên phải có một vết thương hở, chảy nhiều mủ. 

Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị uốn ván nặng toàn phát. Ngoài ra, bệnh nhân có sẵn các bệnh nền là tiểu đường tuýp 2 và tăng huyết áp. Sau khi nhập viện, tình trạng ông P. ngày càng xấu đi, xuất hiện những cơn co giật và gồng người liên tục.

Người đàn ông tử vong vì nhiễm căn bệnh “hiểm” khi ngã ở sân nhà - 2

Bệnh nhân uốn ván điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Khánh An).

Các bác sĩ phải tiến hành mở khí quản, dùng thuốc giãn cơ và cho bệnh nhân thở máy. Thời gian sau đó, dù ê-kíp điều trị đã sử dụng nhiều loại kháng sinh nhưng tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân không thuyên giảm, huyết áp liên tục thấp. Đồng thời, chức năng thận bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng.

Do tình trạng quá nặng và diễn tiến nhanh, bệnh nhân không qua khỏi sau gần 10 ngày điều trị.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, có những vết thương do trượt ngã, té xe, đạp đinh… tưởng bình thường, nhưng không xử lý phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây uốn ván phát triển.

Ngoại độc tố vi khuẩn uốn ván ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, làm tổn thương não và hệ thần kinh trung ương, gây ra các biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong. Bệnh nhân uốn ván nặng sau thời gian dài điều trị sẽ để lại di chứng teo cơ, cứng cơ kéo dài, cần thời gian vận động hồi phục.

Dù uốn ván là bệnh gây hậu quả nặng nề, nhưng hoàn toàn có thể dự phòng được bằng việc tiêm vaccine đầy đủ.

Người đàn ông tử vong vì nhiễm căn bệnh “hiểm” khi ngã ở sân nhà - 3

Uốn ván có thể phòng chống bằng việc tiêm vaccine đầy đủ (Ảnh: Biên Thùy).

Cụ thể, người dân cần tiêm ngừa chủ động 3 mũi vaccine uốn ván trước khi bị vết thương (mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng, mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng). Sau đó, mỗi 5-10 năm một lần phải chủ động tiêm nhắc lại, để tạo đủ kháng thể.

Đối với trường hợp không tiêm vaccine đầy đủ, khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế để được xử trí đúng cách, tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván. Tuyệt đối không tự áp dụng các phương pháp truyền miệng như đắp lá cây, có thể gây nhiễm trùng, khiến vi khuẩn uốn ván xâm nhập nhanh hơn.