“Ngôi sao y khoa” từng phát hiện virus SARS ở Trung Quốc: 64 lần nhận hối lộ, công không đỡ nổi tội

Kể từ khi nhậm chức giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào tháng 9/1995, Lâm Phong đã lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ 64 lần.

Trang cctv.com đưa tin, tháng 4/2009, Lâm Phong - cựu Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc - đã bị Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Thái Châu (tỉnh Chiết Giang) tuyên án 13 năm tù về tội nhận hối lộ.

“Ngôi sao y khoa” từng phát hiện virus SARS ở Trung Quốc: 64 lần nhận hối lộ, công không đỡ nổi tội- Ảnh 1.

Con đường sa ngã của “ngôi sao y khoa”

Lâm Phong, sinh năm 1951, từng là "ngôi sao sáng" trong giới y khoa tỉnh Chiết Giang. Ông ta từng được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Chiết Giang, Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Thái Châu, Đại biểu và Ủy viên thường vụ Hội đồng nhân dân thành phố Ôn Lĩnh.

Lâm Phong cũng là giáo sư nhi khoa và là người hướng dẫn tiến sĩ tại Đại học Y khoa Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang), là chuyên gia đầu ngành nhi khoa tại thành phố Thái Châu, được nhận các khoản trợ cấp đặc biệt của chính phủ Trung Quốc.

Lâm Phong là Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Ôn Lĩnh từ tháng 8/1993 và là Giám đốc bệnh viện từ tháng 9/1995 cho đến thời điểm xảy ra vụ án. Nhiều dự án nghiên cứu của ông ta đã được đưa vào “Kế hoạch 863" (kế hoạch quốc gia đồ sộ của Trung Quốc với mục tiêu nắm bắt những công nghệ cơ bản về công nghệ thông tin; phát triển những công nghệ then chốt về y học, sinh học, nông nghiệp...)

Tuy nhiên, một "ngôi sao" như vậy đã không cưỡng lại được sự cám dỗ và đã dùng chức quyền của mình để đổi lấy tiền bạc, cuối cùng đã hủy hoại tương lai của bản thân vì lòng tham.

Trần là tổng giám đốc của Công ty Dược phẩm thành phố Ôn Lĩnh. Nhờ quan hệ công việc, Trần và Lâm Phong - lúc đó là giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Ôn Lĩnh - nhanh chóng trở nên thân thiết. Bệnh viện Nhân dân luôn là khách hàng lớn của công ty dược phẩm và chi nhánh công ty tại huyện Thái Bình của thành phố Ôn Lĩnh.

Để cảm ơn sự quan tâm ủng hộ của Lâm Phong đối với công ty dược phẩm và chi nhánh Thái Bình trong hoạt động mua bán thuốc, Trần và Hồng - giám đốc chi nhánh Thái Bình - đã biếu Lâm 5.000 nhân dân tệ (RMB, tương đương 18 triệu VNĐ) hoặc 10.000 RMB (36 triệu VNĐ) vào mỗi dịp Tết Nguyên đán từ năm 1996 đến năm 2002.

Lý là một dược sĩ. Để cảm ơn "sự quan tâm" của Giám đốc Lâm đối với doanh số bán dược phẩm và các khía cạnh khác, Lý đã đưa cho Lâm Phong tổng cộng 56.000 RMB (202 triệu VNĐ) trong 4 lần từ năm 2000 đến nửa đầu năm 2003. Từ nửa cuối năm 2004 đến nửa đầu năm 2007, Lâm Phong đã nhận hối lộ thêm 57.200 RMB từ Lý (206 triệu VNĐ).

Sau khi trúng “đạn tẩm đường” của kẻ đưa hối lộ, lòng tham của Lâm Phong trở nên không thể kiểm soát. Theo cơ quan công tố, kể từ khi nhậm chức giám đốc Bệnh viện Nhân dân vào tháng 9/1995, Lâm Phong đã lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ của người khác 64 lần trong các lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm vật tư y tế và sắp xếp nhân sự, với tổng số tiền là 494.800 RMB (gần 1,8 tỷ VNĐ).

“Ngôi sao y khoa” từng phát hiện virus SARS ở Trung Quốc: 64 lần nhận hối lộ, công không đỡ nổi tội- Ảnh 2.

Phát hiện virus SARS có được coi là công trạng?

Vào tháng 3/2008, Lâm Phong bị đưa vào diện “bị điều tra”. Trong thời gian đó, ông ta đã thành thật khai nhận việc mình đã nhận hối lộ từ người khác.

Tháng 8/2008, Lâm Phong bị Viện kiểm sát thành phố Ôn Lĩnh truy tố.

Tháng 11/2008, Tòa án nhân dân thành phố Ôn Lĩnh ra phán quyết rằng bị cáo Lâm Phong đã lợi dụng chức vụ của mình để nhận hối lộ bất hợp pháp với tổng số tiền là 442.800 RMB (1,6 tỷ VNĐ) và hành vi của bị cáo cấu thành tội nhận hối lộ, bị tuyên phạt 13 năm tù.

Tháng 2/2009, Lâm Phong đã nộp đơn kháng cáo. Tòa án nhân dân trung cấp thành phố Thái Châu đã tổ chức phiên tòa xét xử công khai lần thứ hai, với hơn 20 đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố và gia đình Lâm Phong, tổng cộng hơn 100 người tham dự phiên tòa.

Tại bục bị cáo, Lâm Phong với mái tóc điểm bạc, đã rút ra hơn 20 trang "giấy viết tay" mà ông ta đã chuẩn bị sẵn để bào chữa cho mình. Lâm và luật sư bào chữa của ông ta đã lập luận rằng sau khi Trung Quốc trải qua đại dịch SARS (2002-2004), các nhà khoa học đã phát hiện ra 7 loại virus, trong đó có 3 loại do bị cáo Lâm Phong phát hiện. Ông ta cũng đã xuất bản 3 bài báo khoa học quan trọng trên các tạp chí khoa học nổi tiếng thế giới như Tạp chí Virus học lâm sàng Mỹ, có ý nghĩa to lớn trong nghiên cứu virus học quốc tế.

Lâm Phong cũng nói rằng, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc đã chấp thuận cho ông ta tham gia “Kế hoạch 863" và dự án của Quỹ Khoa học Tự nhiên Quốc gia, và cho ông ta giữ chức phó trưởng nhóm. Đây là "Kế hoạch 863" đầu tiên liên quan đến y học, nên ông phải được ghi nhận là người có những đóng góp to lớn.

Tại tòa, công tố viên không phủ nhận những thành tích xuất sắc của bị cáo Lâm Phong trong quá khứ; tuy nhiên, việc phát hiện ra virus là hoạt động công tác bình thường của ông ta trước khi bị bắt giữ. Tòa cũng cho rằng Lâm Phong và luật sư bào chữa của ông ta đã không đưa ra được bằng chứng chứng minh rằng 3 bài báo mà ông ta công bố là "những đóng góp nổi bật cho đất nước và xã hội". Phán quyết cuối cùng của tòa án là "bác đơn kháng cáo và giữ nguyên phán quyết ban đầu".

Theo CCTV