Ngày 4/7, BSCKII Phạm Hồng Hà, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Quân y 7B, Cục hậu cần - Kỹ thuật, Quân khu 7 cho biết, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công lấy đầu viên đạn nằm trong cơ thể bệnh nhân hơn 60 năm.

Người cựu chiến binh hồi phục tốt sau mổ, tay cầm đầu đạn nằm trong cơ thể suốt 6 thập kỷ (Ảnh: CTV).
Bệnh nhân là ông N.V.Đ. (83 tuổi, An Giang). Ông là một cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu vào năm 1964. Trong một trận chiến, ông bị trúng đạn vào vùng hông đùi phải.
Thời điểm đó, do điều kiện y tế hạn chế và vị trí đầu đạn nằm sâu, các bác sĩ khi đó không thể lấy được dị vật ra khỏi cơ thể ông. Từ đó, đầu đạn trở thành một phần cơ thể của ông Đ. suốt hơn sáu thập kỷ.
Dù đã thăm khám tại nhiều bệnh viện, các bác sĩ đều nhận định việc phẫu thuật gắp đầu đạn là gần như không thể do nguy cơ cao dẫn đến biến chứng như liệt chi hoặc tổn thương nghiêm trọng. Ông Đ. đành chấp nhận sống chung với cơn đau âm ỉ, đặc biệt là những lúc trái gió trở trời.
Tuy nhiên, trong 2 tuần gần đây, tình trạng đau đớn tăng nặng, kèm theo viêm nhiễm và chảy mủ ở vùng hông đùi phải, khiến việc đi lại trở nên khó khăn. Ngày 2/7, ông nhập viện tại Bệnh viện Quân y 7B.
Sau khi tiến hành thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, ê-kíp y bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp xác định đầu đạn nằm ở mặt sau lưng hông phải, không cố định, gây chèn ép và viêm nhiễm các mô xung quanh.

Viên đạn găm sâu trong cơ thể người cựu chiến binh hơn 60 năm (Ảnh: BV).
Nếu phẫu thuật gắp đầu đạn, ê-kíp đối mặt với nhiều thách thức lớn. Đầu đạn nằm sâu trong các lớp cơ dày, đặc biệt ở vùng cơ mông, dễ bị di lệch trong quá trình xác định vị trí.
Hơn nữa, do tồn tại quá lâu trong cơ thể, đầu đạn có khả năng dính chặt vào các cấu trúc mô lân cận, khiến việc bóc tách trở nên phức tạp.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, các bác sĩ thống nhất phương án phẫu thuật sử dụng máy C-ARM để định vị chính xác đầu đạn. Phương pháp này tận dụng đường rò ở vùng mông và đùi làm hướng dẫn, kết hợp với tính chất cản quang của dị vật để tăng độ chính xác.
Ngày 3/7, ca phẫu thuật được thực hiện dưới sự dẫn dắt của Bác sĩ CKII Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp. Ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành từng bước với sự thận trọng tối đa.

Đầu đạn sau khi gắp ra (Ảnh: BV).
Việc định vị đầu đạn đòi hỏi độ chính xác cao, bởi chỉ một sai lệch nhỏ cũng có thể khiến đầu đạn nằm ngoài phẫu trường, làm tăng độ khó của ca mổ lên gấp nhiều lần.
Trong suốt quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã rạch da, dò tìm cẩn thận, sử dụng C-ARM để xác định vị trí trong suốt quá trình, đồng thời thực hiện bóc tách và cầm máu tỉ mỉ.
Sau khoảng 60 phút căng thẳng, ê-kíp đã tiếp cận và lấy ra thành công đầu đạn. Đáng kinh ngạc, đầu đạn vẫn sáng bóng và gần như nguyên vẹn sau hơn 60 năm nằm trong cơ thể vị cựu chiến binh.
Chỉ một ngày sau ca phẫu thuật, tình trạng của ông Đ. đã có những cải thiện rõ rệt. Ông có thể vận động bình thường, gần như không còn dấu hiệu của một ca mổ phức tạp vừa trải qua. Dự kiến, ông Đ. sẽ được xuất viện vào ngày 10/7.