Doanh nghiệp phải tự chi trả quyền lợi cho người lao động nếu chậm, trốn đóng BHTN

Theo luật mới, doanh nghiệp sẽ trả khoản tiền tương ứng với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) mà người lao động được hưởng nếu chậm, trốn đóng

Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp chậm, trốn hoặc cố tình không tham gia đầy đủ các loại bảo hiểm cho người lao động, trong đó có bảo hiểm thất nghiệp ( BHTN) diễn ra khá phổ biến, khiến người lao động bị thiệt thòi quyền lợi khi mất việc, chuyển đổi việc làm hoặc học nghề.

Trong khi đó, Luật Việc làm 2013 (đang áp dụng) chỉ quy định nghĩa vụ đóng BHTN của người sử dụng lao động trong vòng 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực. Tuy nhiên, không có điều khoản xử lý rõ ràng trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm, chậm hoặc trốn đóng BHTN.

Doanh nghiệp phải tự chi trả quyền lợi cho người lao động nếu chậm, trốn đóng BHTN- Ảnh 1.

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm

Để khắc phục tình trạng trên, Luật Việc làm 2025 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2026) đã quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHTN cho người lao động.

Cụ thể, theo khoản 7, Điều 33 của luật, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHTN theo quy định đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, hoặc chấm dứt làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHTN cho người lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động không đóng đủ BHTN cho người lao động, thì phải trả khoản tiền tương ứng với các chế độ BHTN, mà người lao động được hưởng theo quy định của pháp luật.

Điều này áp dụng với các chế độ như: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ học nghề; tư vấn giới thiệu việc làm; đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Đây là một trong số các quy định mới nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động trong thời gian tới.