Tối 3/7, đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, nơi này vừa điều trị thành công một trường hợp nhiễm trùng nguy kịch trên người bệnh béo phì trẻ tuổi.
Nhiễm vi khuẩn "nổi tiếng kháng thuốc"
Người bệnh là chị Đ.V.Y.N. (22 tuổi sinh năm 2003, ngụ TPHCM) hiện là sinh viên đại học. Trước đó, bệnh nhân vào khoa Cấp cứu trong tình trạng sốt kèm theo đau ở vùng bụng và hông, không có tiền căn mắc các bệnh lý tim mạch và hô hấp nhưng béo phì nặng độ III (chỉ số khối cơ thể (BMI) 37 kg/m²).
Tại đây, cô gái được chẩn đoán bị viêm bể thận cấp hai bên kèm nhiễm trùng huyết và đái tháo đường mới phát hiện. Các bác sĩ điều trị kháng sinh phổ rộng cho bệnh nhân nhưng tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nhanh không kiểm soát, sốt cao liên tục, lơ mơ, diễn tiến vào sốc, tụt huyết áp và suy hô hấp.

Cô gái béo phì và người thân trong thời gian điều trị ở bệnh viện (Ảnh: BV).
Trong vòng 48 giờ nhập viện, bệnh nhân phải đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn và lọc máu hấp phụ vì suy đa cơ quan do nhiễm trùng. Lúc này, tổn thương phổi lan tỏa hai bên diễn tiến rất nhanh. Bệnh nhân xuất hiện hội chứng nguy kịch hô hấp cấp, giảm oxy máu nặng kháng trị xuất hiện sau 5 ngày nằm viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thanh Nam, khoa Hồi sức tim mạch - người điều trị chính cho N. - cho biết, kết quả cấy máu người bệnh dương tính với vi khuẩn Klebsiella pneumoniae. Đây là loại vi khuẩn Gram âm có thể gây nhiễm trùng tiểu và nổi tiếng với khả năng kháng thuốc kháng sinh mạnh.
Trong những trường hợp nặng, nhiễm trùng do vi khuẩn này có thể gây ra suy đa cơ quan và đe dọa tính mạng, đòi hỏi các biện pháp hồi sức tích cực và phối hợp đa chuyên khoa để kiểm soát.
Lúc này, chị N. được can thiệp kỹ thuật oxy hóa máu màng ngoài cơ thể phương thức tĩnh - tĩnh mạch (V-V ECMO) để hỗ trợ phổi khi hội chứng nguy kịch hô hấp cấp tiến triển nặng.
Trong trường hợp người bệnh béo phì, can thiệp ECMO mang lại cơ hội sống còn khi suy hô hấp tiến triển nặng nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đó là việc thực hiện thủ thuật khó khăn do mô mỡ dày, mạch máu ẩn sâu, tình trạng tăng đông, nguy cơ tắc mạch và nhiễm trùng cao hơn so với người bình thường tại vị trí đặt ECMO, quản lý liều kháng sinh, kháng đông, chăm sóc điều dưỡng cũng đầy thách thức.

Cô gái thoát chết sau thời gian điều trị tích cực (Ảnh: BV).
Đặc biệt, việc phục hồi chức năng hô hấp và vận động thường kéo dài hơn ở người bệnh béo phì nặng. Dù vậy, với sự phối hợp đa chuyên khoa, cô gái đã phục hồi hoàn toàn chỉ sau 8 ngày can thiệp ECMO.
Trước khi ra viện, N. được các bác sĩ dinh dưỡng tư vấn kỹ càng về chế độ ăn hợp lý mỗi ngày và lên kế hoạch theo dõi ngoại trú dài hạn để kiểm soát tối ưu cân nặng, đái tháo đường cùng các yếu tố nguy cơ chuyển hóa khác đi kèm.
Béo phì khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng
Theo tiến sĩ, bác sĩ Giang Minh Nhật, Phó trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, béo phì là căn bệnh mãn tính ngày càng phổ biến không chỉ ở các quốc gia phát triển mà cả ở Việt Nam.
Ngoài chỉ số khối cơ thể cao ảnh hưởng đến thẩm mỹ, béo phì còn là nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh lý nguy hiểm, như tăng huyết áp, tiểu đường type 2, đột quỵ và thậm chí là ung thư.

Cô gái đã phục hồi hoàn toàn chỉ sau 8 ngày can thiệp ECMO (Ảnh: BV).
Tuy nhiên, một thực tế ít được chú ý là béo phì khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng, và khi bị nhiễm trùng thì thường nặng và khó kiểm soát, khiến thời gian nằm viện kéo dài, chi phí điều trị cao. Bệnh nhân có nguy cơ tàn phế, tử vong và giảm chất lượng cuộc sống.
Để bảo vệ sức khỏe, bác sĩ khuyến cáo người dân cần kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động đều đặn, duy trì chỉ số BMI ở mức khỏe mạnh, hạn chế thực phẩm nhiều năng lượng, dầu mỡ, tăng cường rau xanh, trái cây và tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày.
Song song đó, cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát các bệnh nền. Người bệnh béo phì (với BMI > 30 kg/m2) nên đến khám và tư vấn điều trị tại các bệnh viện lớn có chuyên khoa chuyển hóa hay điều trị béo phì.