Cảng biển Long An đặt mục tiêu đạt 20 triệu tấn hàng hóa vào năm 2030

Cảng biển Long An được quy hoạch trở thành đầu mối logistics quan trọng của vùng Nam Bộ, với kỳ vọng đến năm 2030 có thể tiếp nhận tới 20 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Cảng biển Long An đặt mục tiêu đạt 20 triệu tấn hàng hóa vào năm 2030

Cảng biển Long An đặt mục tiêu đạt 20 triệu tấn hàng hóa vào năm 2030

Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Long An thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Bộ Xây dựng phê duyệt, đánh dấu bước chuyển mình chiến lược cho hệ thống hạ tầng cảng biển của tỉnh.

Theo định hướng phát triển, cảng biển Long An sẽ bao gồm hai khu bến chính là Cần Giuộc và Vàm Cỏ. Hệ thống bến cảng này được thiết kế để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng mạnh của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho các khu công nghiệp, trung tâm thu gom hàng và dịch vụ hậu cần trong khu vực.

Mục tiêu đến năm 2030, sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến đạt từ 13,25 đến 18,25 triệu tấn mỗi năm, trong đó hàng container chiếm khoảng 0,35 đến 0,43 triệu TEU. Tổng chiều dài hệ thống cầu cảng trong giai đoạn này dự kiến đạt từ 3.586 đến hơn 4.000 mét, với khoảng 17 đến 20 cầu cảng đi vào hoạt động.

Khu bến Cần Giuộc đóng vai trò trung tâm, nơi quy hoạch tới 6 bến cảng, trong đó có 5 bến chính và một bến phát triển theo điều kiện thực tế. Các bến tại khu vực này sẽ tiếp nhận khối lượng hàng hóa từ 11 đến 16 triệu tấn/năm, bao gồm hàng rời, hàng tổng hợp, container và hàng lỏng. Đáng chú ý, Bến cảng quốc tế Long An có thể tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 70.000 DWT (giảm tải), giúp mở rộng kết nối thương mại quốc tế cho khu vực.

Ngoài ra, cảng còn tích hợp nhiều loại hình chuyên biệt như cảng dầu khí quốc tế, bến hàng lỏng phục vụ nhiên liệu và khí hóa lỏng LNG. Đặc biệt, bến cảng LNG Cần Giuộc được quy hoạch để hỗ trợ trực tiếp cho Nhà máy điện khí LNG Long An – một trong những dự án năng lượng chiến lược tại miền Nam.

Trong khi đó, khu bến Vàm Cỏ sẽ phục vụ khoảng 2,3 triệu tấn hàng mỗi năm, tập trung vào vai trò trung chuyển, kết nối đường thủy nội địa, hỗ trợ vận tải vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ và các khu vực công nghiệp liền kề.

Để hiện thực hóa quy hoạch này, tỉnh Long An đặt mục tiêu huy động tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 3.710 tỷ đồng trong giai đoạn đến năm 2030. Trong đó, khoảng 500 tỷ đồng dành cho đầu tư hạ tầng hàng hải công cộng, phần còn lại tập trung vào phát triển các bến cảng kinh doanh, dịch vụ xếp dỡ hàng hóa.

Hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải sẽ được duy trì theo quy mô luồng hiện hữu, đảm bảo an toàn hoạt động và khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Việc đầu tư nạo vét luồng, nếu cần thiết, có thể triển khai theo hình thức xã hội hóa, tùy thuộc vào năng lực tài chính và nhu cầu của các nhà đầu tư.

Không chỉ là cảng biển đơn thuần, Long An đang hướng đến mô hình cảng hiện đại, tích hợp với các trung tâm logistics, dịch vụ hậu cần, đồng thời đóng vai trò trung chuyển, giảm tải cho các cảng lớn như TP.HCM hay Bà Rịa - Vũng Tàu. Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống bến cảng sẽ tiếp tục mở rộng, phục vụ trực tiếp cho các nhà máy, khu công nghiệp và các trung tâm dịch vụ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Với vị trí chiến lược và quy hoạch bài bản, cảng biển Long An được kỳ vọng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng.