Ngày 26/4, Cơ quan CSĐT Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an (C03) cho biết vừa triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ thực phẩm chức năng cực lớn do đối tượng Nguyễn Năng Mạnh (SN 1989, HKTT: xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) cầm đầu.
Hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam và lệnh khám xét với 5 bị can về 2 tội: "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" gồm:
Nguyễn Năng Mạnh (Giám đốc Công ty MegaPhaco, Chủ tịch HĐQT Công ty MediUSA); Đỗ Mạnh Hoàng (Giám đốc Công ty MediPhar); Khúc Minh Vũ (Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm liên doanh Việt - Đức); Phạm Thị Hường (Kế toán phụ trách 4 Công ty MediPhar, MediUSA, MegaLife, Hùng Phương); Lê Thị Toan (Thủ quỹ 6 Công ty MediPhar, MediUSA, MegaLife, Hùng Phương, MegaPhaco, Việt Đức).
Thông tin trên báo Công an nhân dân cho hay, từ năm 2016, Nguyễn Năng Mạnh và các đối tượng đã thành lập và điều hành nhiều công ty để hợp thức hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả từ khâu nhập khẩu nguyên liệu, đến sản xuất, đóng gói bao bì, tiêu thụ trên thị trường.

Đối tượng cầm đầu là Nguyễn Năng Mạnh (phải) và Khúc Minh Vũ - Ảnh: VTV

Các bị can Lê Thị Toan, Đỗ Mạnh Hoàng và Phạm Thị Hường trong vụ án - Ảnh: CAND
Các đối tượng đã sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán (1 sổ sách kế toán nội bộ và 1 sổ sách để kê khai nộp thuế) để giảm số thuế phải nộp, gây thất thu thuế cho Nhà nước.
Trong bản tin thời sự tối 26/4 cho hay, cơ quan chức năng xác định có hơn 900 nhãn hiệu thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã bị đối tượng làm giả. Các nhãn hiệu này tập trung vào nhóm người già, trẻ em và phụ nữ mang thai.
Phương thức tiêu thụ của các đối tượng chủ yếu là qua hệ thống chợ thuốc. "Đi gặp trực tiếp các trình dược viên ở tỉnh, nhà thuốc ở tỉnh, hoặc các công ty dược phân phối ở tỉnh để chào hàng, giới thiệu các sản phẩm. Quá trình thực hiện trong nhiều năm để được một hệ thống như bây giờ", Khúc Minh Vũ khai nhận về phương thức tiêu thụ các sản phẩm giả.
Nguyên liệu được sử dụng được các công ty công bố là nhập từ Mỹ và các nước Châu Âu nhưng thực tế đa số là nhập từ Trung Quốc.

Các sản phẩm phần lớn cho người già, trẻ nhỏ - Ảnh: VTV
Ngoài ra, các đối tượng đã sử dụng phiếu kiểm nghiệm khống nhằm hợp thức hóa thủ tục công bố về chất lượng sản phẩm. Các đối tượng cũng thừa nhận, về chất lượng sản phẩm, có nhiều thành phần chỉ đạt dưới 30% so với công bố. Khi nhận thấy bị động, các đối tượng tẩu tán, tiêu hủy nguyên liệu, sản phẩm, đóng cửa nhà máy. Công an đã phát hiện, thu giữ hàng chục tấn thực phẩm chức năng khi các đối tượng đang đưa đi Nam Định tẩu tán, tiêu thụ. Ngoài ra, công an còn phát hiện thêm 2 kho hàng khác ở Hà Nội.
Tổng số tang vật là thực phẩm chức năng giả bị thu giữ trong vụ án này lên đến hơn 100 tấn với hơn 900 nhãn hiệu thực phẩm chức năng được phân phối rộng rãi trên cả nước.
Hiện, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, củng cố tài liệu, chứng cứ làm rõ hành vi phạm tội của các bị can, mở rộng điều tra vụ án để làm rõ sai phạm của các tổ chức và cá nhân liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.