Vị tướng Bắc gắn bó máu thịt với miền Nam

Khoác áo lính từ năm 1966, là chiến sĩ trong trung đoàn đầu tiên từ Bắc vào Nam chiến đấu, vào sinh ra tử trong 3 cuộc chiến tranh sau đó, đối với thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, 2 chữ hòa bình chính là 'tài sản' quý nhất vào lúc này.

chiến đấu - Ảnh 1.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ là người gắn bó với miền Nam suốt quá trình chiến đấu - Ảnh: AN VI

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nguyên là tham mưu trưởng Quân khu 7, trong những ngày này, để nói trọn vẹn một câu chuyện nào đó với ông qua điện thoại là điều không thể bởi các cuộc gọi từ lãnh đạo TP.HCM, đồng đội, đơn vị cũ… xén ngang liên tục.

"Chú biết tụi mày muốn hỏi cái gì, chạy qua đây, tao kể cho nghe hòa bình nó quý cỡ nào" - câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng chất giọng rắn rỏi của người tướng trận dày dặn kinh nghiệm ở chiến trường Nam Bộ.

Trực tiếp chiến đấu, chỉ huy 3 cuộc chiến

Đã về hưu được hơn 16 năm, căn phòng nhỏ của ông dành tiếp chúng tôi vẫn đặc trưng cách bố trí của một người lính.

Năm nay ông Thổ đã bước qua tuổi 79, chiếc giường ông nằm mỗi ngày chỉ là loại giường sắt nhỏ như trong đơn vị từng công tác. Kế bên có tủ sách với đủ các loại sử kiện chiến tranh trên toàn thế giới, và đặc biệt 2 bộ quân phục luôn được ông ủi thẳng tắp mỗi ngày.

Ông yêu màu xanh áo lính đến vậy cũng đúng, bởi vừa tròn 20 tuổi, người con của vùng đất địa linh nhân kiệt Hưng Yên đã trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 304, Trung đoàn 5, Sư đoàn 320 đóng quân ở Ninh Bình. Sau 3 tháng huấn luyện, chàng lính trẻ hành quân vào Nam với quyết tâm chiến đấu để đất nước thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà.

"Đợt đó hành quân cũng gian nan lắm, tôi trải qua đợt sốt rét, còn yếu nhưng chẳng hiểu sao mình có nhiều nghị lực, quyết tâm xin đi chiến trường ngay", ông Thổ nhớ lại.

chiến đấu - Ảnh 2.

Về hưu đã hơn 16 năm nhưng căn phòng của ông vẫn đậm chất quân đội - Ảnh: AN VI

51 năm phục vụ trong quân ngũ, ông Thổ từng là chiến sĩ trực tiếp đánh trận Mậu Thân 1968. Ông cũng chỉ huy trực tiếp ở các chiến trường ác liệt như Tây Nguyên, Trung Nam Bộ, đất thép Củ Chi, và sau này là cuộc chiến ở 2 vùng biên cương Tổ quốc.

Chiến chinh không biết bao nhiêu trận lớn nhỏ, song trong ký ức của vị tướng này, tháng 4-1975 vẫn là thời gian đẹp nhất. Thời điểm đó, ông Trần Ngọc Thổ cùng Trung đoàn 88 tách khỏi Quân khu 8, về trực thuộc Bộ Tư lệnh đoàn 232 tham gia

Ở tuổi 79, ông vẫn còn khỏe, thường xuyên tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa của thành phố - Ảnh: AN VI

Cũng ở chiến trường khốc liệt phía Nam, sau trận ở chi khu Kiến Văn năm 1970, ông bị thương nặng, liệt cánh tay phải do có mảnh đạn ở hố nách phải điều trị 3 tháng tại bệnh xá dã chiến.

Trung đoàn trưởng muốn gửi ông ra Bắc điều trị, nhưng ông xin ở lại chiến trường, kết hợp chữa trị tại chỗ. Và đó cũng là cơ duyên cho người lính ở đầu bên kia vĩ tuyến 17 phải lòng người vợ hiện tại.

Không cần phải mơ dáng kiều Hà Nội xa xăm như vầng thơ của Quang Dũng, bởi lúc đó vợ ông đang là y sĩ phụ trách trạm, trực tiếp chăm sóc ông mỗi ngày.

"Vợ tôi tên Dương Thị Tiến, một cô gái miền Nam hiền thục, ăn nói nhỏ nhẹ. Nhất là câu "dạ" rất Nam Bộ đã gieo vào lòng tôi bao bâng khuâng, lâng lâng khó tả", thiếu tướng Trần Ngọc Thổ nhớ như in ngày tình yêu tìm đến.

Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, mỗi khi nhắc về các trận đánh, kể về người đồng đội đã nằm xuống, đôi mắt vị tướng luôn nhíu lại. Ông nói chẳng ai muốn chiến tranh cả, vì vậy những kỷ niệm của hòa bình như lúc này mới là thứ đáng trân trọng hơn hết.

Trải qua 3 cuộc chiến tranh, ông Thổ cảm nhận sâu sắc sự kiên cường của đồng bào cả nước và ý nghĩa quân dân trong tên gọi Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Không có gì quý hơn độc lập, tự do như Bác Hồ đã nói, từ dân nô lệ trở thành dân tộc chủ quyền là quá trình đấu tranh cực kỳ gian nan. Hàng trăm ngàn thanh niên xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước ngày đó, hy sinh trong rừng, xác thân còn nằm lại nơi rừng thiêng nước độc", ông Thổ nhắn nhủ về giá trị của hòa bình.

Đấu tranh cho nạn nhân da cam

Ngày 10-6-2009, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ chính thức nhận sổ hưu. Song câu chuyện đấu tranh của người tướng trận ấy vẫn chưa dừng lại. Ông được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin TP.HCM đấu tranh cho quyền lợi của nạn nhân mà chất độc này gây ra.

Ông đã theo đuổi các vụ kiện da cam, theo đuổi hai vấn đề yêu cầu tẩy độc môi trường ở sân bay Đà Nẵng và sân bay Phù Cát (Bình Định), sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).

chiến đấu - Ảnh 4.

Khi về hưu ông còn tham gia đòi quyền lợi cho nạn chất chất độc da cam/dioxin - Ảnh: AN VI chụp từ tư liệu

"Tôi tham gia chiến tranh, hiểu chiến tranh, là người thật việc thật nên đứng lên theo đuổi vụ kiện da cam", ông nói.

Thời gian rảnh, ông luôn tranh thủ lần giở các văn kiện lịch sử để củng cố, đòi quyền lợi cho nạn nhân da cam khi làm việc với phái đoàn Mỹ.

Có việc gì các nạn nhân đều có thể gọi trực tiếp cho ông và ông luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Trong quá trình đấu tranh cho các nạn nhân, không ít lần người lính can trường ấy thắt lòng khi chứng kiến đến thế hệ thứ ba, nhiều gia đình vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh da cam.

Trong những năm qua, ông tìm hiểu, sát sao về chế độ trợ cấp cho các nạn nhân. Từ những chuyện nhỏ như khi mạnh thường quân cho quà Tết có kẹo, ông góp ý làm sao họ ăn được cho đến câu chuyện lớn hơn như đảm bảo quyền lợi cho những người không may mắn này.

Tiễn chúng tôi về, vị tướng 79 tuổi dặn dò đất nước ngày nay sẽ giao lại cho thế hệ trẻ, thế hệ sẽ bảo vệ Tổ quốc. "Tụi mày cần gì, sách gì, nghiên cứu cái gì cứ chạy qua tao", ông nói vọng từ bên trong cánh cửa.

Mới đây thiếu tướng Trần Ngọc Thổ được TP.HCM tri ân vì có những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025.

Ông Thổ cho biết thành phố rất quan tâm, chăm lo cho những người lính trở về từ chiến trường như ông. Vào các dịp kỷ niệm, lễ, Tết đều có các đoàn đến thăm hỏi tặng quà. Sống ở TP.HCM ngót nghét 50 năm, ông xem nơi này thân thuộc hơn cả "quê hương thứ hai".

Ông vui mừng vì chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của TP.HCM trong khoảng thời gian qua và cũng nửa thật nửa đùa hy vọng khi thành phố 60 năm, ông vẫn còn khỏe để kể chuyện, còn khỏe để đi xem bộ đội diễu binh như năm nay.

Vị tướng Bắc gắn bó máu thịt với miền Nam - Ảnh 5.Ước nguyện xem diễu binh tại TP.HCM của người thương binh 81 tuổi

Những ngày cuối tháng tư cách đây nửa thế kỷ, người lính xứ Nghệ òa khóc giữa vòng tay đồng đội mừng đất nước sum họp. Sau 50 năm, ông quay lại TP.HCM trong những ngày cờ hoa rợp trời để xem thế hệ tiếp nối diễu binh.