Thủ phạm trong rừng khiến bệnh nhân nhiễm trùng huyết, sốt cao kéo dài

() - Sau một lần bị côn trùng cắn khi đi rừng, người đàn ông sốt cao không hạ, nhập viện vì nhiễm trùng huyết hiếm gặp.

Ngày 5/5, đại diện Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) cho hay đơn vị này vừa tiếp nhận và điều trị thành công một ca nhiễm trùng huyết hiếm gặp.

Nam bệnh nhân (khoảng 70 tuổi) nhập khoa Hồi sức tích cực và Chống độc trong tình trạng sốt cao kéo dài suốt 5 ngày không rõ nguyên nhân. Tại đây, các bác sĩ ghi nhận tình trạng tiểu cầu giảm, trong khi đó men gan tăng liên tục, gây khó khăn trong việc chẩn đoán.

Theo ThS.BS Nguyễn Hữu Tín, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, ngay sau khi khám lâm sàng và xét nghiệm, những nguyên nhân thường gặp tại Việt Nam như sốt rét, sốt xuất huyết... đã nhanh chóng được loại trừ. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn sốt dai dẳng, các chỉ số sinh học bất thường vẫn tiếp tục tiến triển.

Khai thác bệnh sử, người bệnh cho hay ông từng bị một sinh vật giống con vắt cắn vào chân khi đi rừng khoảng 2 tuần trước. Vết cắn gây rỉ máu kéo dài nhưng chỉ được xử lý sơ sài tại nhà.

Thủ phạm trong rừng khiến bệnh nhân nhiễm trùng huyết, sốt cao kéo dài - 1

Vắt sống nhiều trong môi trường ẩm ướt của rừng rậm (Ảnh minh họa: Jungle Boss).

Theo bác sĩ Tín, đây là yếu tố gợi ý lâm sàng quan trọng bởi các sinh vật hút máu như vắt, đỉa, muỗi rừng… có thể là vật chủ trung gian mang theo vi khuẩn gây bệnh. Vết cắn làm tổn thương da, trở thành cửa ngõ để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, đặc biệt nếu không được xử trí đúng cách.

Dựa trên dữ liệu lâm sàng và bệnh sử, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng huyết và bắt đầu điều trị bằng hai loại kháng sinh phổ rộng.

Chỉ 2 ngày sau đó, người bệnh hết sốt, các chỉ số tiểu cầu bắt đầu tăng trở lại, men gan giảm dần.

Theo bác sĩ Tín, nhiễm trùng huyết do vết cắn từ côn trùng hút máu không phổ biến nhưng không hiếm gặp.

Trong nhiều trường hợp, tác nhân có thể là Klebsiella pneumoniae - một loại vi khuẩn gram âm có độc lực cao, có thể gây nhiễm trùng huyết nguy hiểm. Ngoài ra, các loại côn trùng như vắt, đỉa, muỗi rừng... có thể là trung gian mang vi khuẩn. Khi lớp da rách, vi khuẩn xâm nhập sẽ gây nhiễm trùng nếu không được xử trí đúng cách.

Từ trường hợp trên, các bác sĩ cảnh báo người dân, đặc biệt là người lớn tuổi hoặc có bệnh nền, cần đặc biệt cẩn trọng khi đi rừng hoặc tới các khu vực có nhiều côn trùng, sinh vật hút máu.

Mọi người nên mặc quần áo bảo hộ, sử dụng thuốc chống côn trùng và tránh để da tiếp xúc trực tiếp với môi trường rừng rậm.

Trong trường hợp bị côn trùng cắn, cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch và xà phòng, theo dõi kỹ các dấu hiệu như sưng đỏ, mưng mủ, chảy dịch hoặc sốt kéo dài.

Khi có triệu chứng bất thường hoặc xét nghiệm cho thấy chỉ số sinh học bất ổn, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.