Sửa luật để hoàn thiện chính sách tài chính đất đai
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng Luật Đất đai 2024 chưa thể hiện hết tinh thần nghị quyết 18, đặc biệt chính sách tài chính đất đai quá mờ nhạt.
"Sửa Luật Đất đai vừa rồi được thực hiện rất công phu, mất nhiều thời gian nhưng còn nhiều điểm không phù hợp với nghị quyết 18 của Trung ương. Dường như luật chỉ "lướt qua" nghị quyết nhưng chưa phản ánh đúng tinh thần, bản chất nghị quyết. Nội dung nghị quyết đặt ra các định hướng chính sách rất đúng nhưng Luật Đất đai 2024 lại chưa thể hiện được", ông khẳng định.
* Ông nói Luật Đất đai 2024 chỉ "lướt qua", chưa phản ánh đúng tinh thần, bản chất nghị quyết 18, cụ thể là gì, thưa ông?
- Ví dụ nghị quyết 18 yêu cầu cần xem xét, quản lý quyền bề mặt các thửa đất, vấn đề sử dụng tầng trên không, tầng ngầm của chủ sử dụng đất. Nhưng Luật Đất đai 2024 lại chỉ quy định việc khai thác công trình ngầm dưới mặt đất là của Bộ Xây dựng.
Đáng lẽ Luật Đất đai phải quy định rõ chủ sử dụng đất được sử dụng bao nhiêu mét tầng ngầm, bao nhiêu mét trên không, ngoài phần này sẽ phải nộp tiền cho Nhà nước. Thu từ việc sử dụng công trình trên không, tầng ngầm của thửa đất là vấn đề nhiều nước áp dụng. Đây là nguồn thu khá cao từ đất.
Thứ hai là việc sử dụng đất đa mục đích, chẳng hạn người nông dân làm nông nghiệp được sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích phi nông nghiệp. Ví dụ như một trang trại chủ sử dụng muốn kinh doanh Farm Stay (trang trại lưu trú), thì luật cần quy định rõ chủ trang trại được chuyển bao nhiêu diện tích đất sang đất phi nông nghiệp, phục vụ cho mục đích kinh doanh du lịch. Các nước họ quy định chủ trang trại được chuyển theo nhu cầu nhưng phải nộp tiền sử dụng đất cho nhà nước.
Tuy nhiên chúng ta lại quy định mỗi Farm Stay được chuyển khoảng 5% sang làm du lịch mà không phải đóng tiền sử dụng đất. Trong khi nhiều Farm Stay họ sống nhờ kinh doanh du lịch, thu từ nông nghiệp không đáng bao nhiêu. Đây cũng là bất cập.
* Về định hướng đưa giá đất tiệm cận thị trường, theo ông cần điều chỉnh gì?
- Quy định về tài chính đất đai là điểm yếu lớn nhất của Luật Đất đai 2024. Luật đã yêu cầu bảng giá đất phải trực tiếp do địa phương xây dựng đúng theo tinh thần nghị quyết 18. Nhưng luật lại không quy định trách nhiệm kiểm tra giám sát xem địa phương xây dựng bảng giá đất có đúng không, có sát thị trường không?
Nước nào cũng quy định bảng giá đất phải sát giá thị trường - giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường. Nhiều nước quy định bảng giá này được sai số 20% so với giá thị trường.
Nhưng không phải bảng giá đất sát thị trường là bao nhiêu thì áp dụng như vậy với doanh nghiệp, người dân. Vì thế cần có những quy định về chính sách tài chính đất đai cho các đối tượng khác nhau. Có đối tượng áp đúng bảng giá, có đối tượng được giảm sâu, chỉ áp một phần bảng giá đất khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Chính sách tài chính đất đai trong Luật Đất đai khá mờ nhạt, không rõ được trường hợp nào được ưu đãi, được giảm giá bao nhiêu phần trăm so với bảng giá, trường hợp nào áp nguyên bảng giá đất.
Vì những bất cập này mà một số địa phương áp nguyên bảng giá đất thị trường với người dân có nhu cầu chuyển đổi đất vườn sang đất ở. Như vậy khác nào bảo người dân mang tiền đi mua đất ngoài thị trường và người nông dân không có đủ tiền để chuyển đổi.
Tôi cho rằng các địa phương chỉ nên thu bằng 10 - 30% bảng giá đất, vì đây cần xem là một trường hợp ưu tiên. Nhưng cũng chỉ nên bó hẹp với trường hợp tách hộ trong cùng một gia đình. Số hộ gia đình tăng nhưng thu nhập của họ chỉ trông vào nông nghiệp, cần coi đây là chính sách nhà ở xã hội với khu vực nông thôn.
Bên cạnh đó, tất cả các nhà đầu tư vào sản xuất, dịch vụ, đầu tư kinh doanh bất động sản đều kêu giá đất cao họ không đầu tư được. Vì thế nhiều nhà đầu tư phải dừng dự án vì không kham được tiền đất. Doanh nghiệp phản ánh là đúng.
Để giải quyết vấn đề này, các nước họ đều quy định trong luật chi phí đất đai đầu vào đối với các lĩnh vực nhà nước ưu tiên phát triển chỉ bằng 30% giá đất thị trường. Nhưng khi nhà đầu tư thực hiện dự án xong, giá trị đất đai tăng lên thì nhà nước sẽ ban hành Luật
Thuế bất động sản để đánh vào giá trị đất đai tăng lên. Các chủ đầu tư dự án sẽ phải chia sẻ giá trị đất đai tăng thêm với nhà nước. Nguồn thu này bù lại tiền sử dụng đất chủ đầu tư được giảm khi làm dự án.
Vì vậy, việc sửa Luật Đất đai thời gian tới phải bổ sung quy định về giảm tiền sử dụng đất cho các dự án đầu tư. Khi đó giá trị đất đầu vào thấp, giá trị sản xuất hàng hóa thấp, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.