
Rạch Xuyên Tâm (đoạn gần sông Vàm Thuật) - Ảnh: CHÂU TUẤN
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cho biết dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm kéo dài từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp.
Rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm, rác rến bủa vây nhiều năm qua - Ảnh: CHÂU TUẤN
Hiện dự án có ba gói thầu xây lắp XL1, XL2, XL3, trong đó gói XL3 là đoạn từ đường Lương Ngọc Quyến đến sông Vàm Thuật, dài 1,3km, đã hoàn thành thủ tục lựa chọn nhà thầu và chính thức khởi công hôm nay.
Về giải phóng mặt bằng, quận Gò Vấp có 138 trường hợp bị ảnh hưởng. UBND quận đã bồi thường cho 99 trường hợp (đạt 71,7%) và đã bàn giao mặt bằng 1.100m/1.300m (đạt 84,6%).
Tại quận Bình Thạnh, tuyến XL3 cũng đã được bàn giao 1.140m/1.300m (đạt 87,7%), đang phấn đấu hoàn tất phần còn lại trong quý 2 năm nay.
Hai gói thầu còn lại nằm hoàn toàn ở quận Bình Thạnh với tổng số 2.077 trường hợp bị ảnh hưởng. Đến nay, quận đã bồi thường cho 374 trường hợp (đạt 18%). Địa phương đang đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao mặt bằng và xây dựng trước ngày 2-9-2025.
Ông Đậu An Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM - cho hay dự án rạch Xuyên Tâm không chỉ giúp cải thiện môi trường, chống ngập và thu gom nước thải về nhà máy xử lý, mà còn tạo trục giao thông mới, góp phần chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Dự án được khởi công đúng tiến độ thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thành phố, cùng sự đồng thuận cao của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.

Các đại biểu bấm nút khởi công công trình rạch Xuyên Tâm sáng 10-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN
Làm rạch Xuyên Tâm là mong mỏi chính đáng của người dân
Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Thành Tuấn - phó bí thư Đảng ủy UBND TP.HCM - cho biết rạch Xuyên Tâm đi qua quận Bình Thạnh, Gò Vấp chính thức được khởi công cải tạo, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong nỗ lực chỉnh trang đô thị, cải thiện dân sinh.
Ông Tuấn nhấn mạnh ba yêu cầu trọng tâm: đảm bảo tiến độ đúng cam kết, chất lượng thi công cao nhất và gắn với bảo vệ môi trường, an toàn cho người dân. Chính quyền địa phương, đặc biệt là quận Bình Thạnh, cần đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, minh bạch và tạo đồng thuận.
Dự án không chỉ là giải pháp hạ tầng mà còn thể hiện cam kết của thành phố với mong mỏi chính đáng của người dân, hướng đến một đô thị xanh, sạch, đáng sống.
