Quốc hội bàn nội dung liên quan cán bộ, công chức và tổ chức chính quyền địa phương

Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 14/5, Quốc hội sẽ họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi tập trung vào 4 nội dung trọng tâm.

Trong đó, vấn đề lớn đầu tiên là việc xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bao gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố) và cấp xã (xã, phường, đặc khu), thay cho mô hình 3 cấp hiện nay.

Quốc hội bàn nội dung liên quan cán bộ, công chức và tổ chức chính quyền địa phương- Ảnh 1.

Hôm nay, Quốc hội sẽ cho ý kiến về hai nội dung liên quan cán bộ, công chức và tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: Như Ý

Nội dung lớn thứ 2 là việc phân định rành mạch thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương. Đây là vấn đề vừa kế thừa và được đổi mới căn bản. Trong đó, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện hiện nay sẽ chuyển cho xã, phường mới và còn phân cấp thêm từ tỉnh xuống.

Vấn đề lớn thứ 3 là tập trung triệt để thực hiện việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền. Nội dung này đã được quán triệt trong lần sửa luật hồi tháng 2, giờ được làm sâu sắc, triệt để hơn.

Vấn đề thứ 4, theo Bộ trưởng Nội vụ là việc tháo gỡ những tồn tại khi chuyển từ chính quyền địa phương 3 cấp sang 2 cấp .

Dự luật nêu 9 nội dung chuyển tiếp để giải quyết toàn diện, bao trùm toàn bộ việc phát sinh khi vận hành mô hình mới, kết thúc hoạt động của cấp huyện từ 1/7.

Với Luật Cán bộ, công chức , Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, lần sửa đổi này được đổi mới một cách căn bản, đồng bộ, toàn diện. Trong đó xác lập vị trí việc làm là trung tâm, cốt lõi, quyết định nhiều vấn đề liên quan.

Đáng chú ý, dự thảo luật đã bãi bỏ thi nâng ngạch và bỏ quy định tập sự 1 năm khi tuyển dụng công chức. Theo bà Trà, điều này “chắc hẳn cán bộ, công chức đều rất vui”.