Theo các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ nhiễm giun sán từ thực phẩm khá cao.
Hầu hết ca mắc đều liên quan đến thói quen ăn gỏi cá, thịt sống, nội tạng động vật hoặc không chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều trường hợp sán não, sán lá gan nhỏ, sán lá phổi được ghi nhận tại các bệnh viện lớn trong nước đều bắt nguồn từ các món ăn “đặc sản” chưa chín kỹ.
Thống kê từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, hiện có khoảng 33 triệu người Việt Nam nằm trong nhóm có nguy cơ nhiễm giun sán. Tỷ lệ mắc bệnh dao động 20-50%, tùy theo khu vực địa lý, trong đó các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên là những nơi ghi nhận tỷ lệ nhiễm cao nhất.
Trong khi đó, nhiều khảo sát tại khu vực Nam Bộ cũng cho thấy tình trạng đáng lo ngại. Khoảng 8,7% trẻ em bị nhiễm giun móc/mỏ, trong khi gần 1/4 số trẻ (24,4%) có kháng thể với Toxocara - loại giun đũa lây từ chó mèo sang người.
Ký sinh trùng gắp ra từ cơ thể của một bệnh nhân ở Hòa Bình (Ảnh: CDC Hòa Bình).
Những món ăn tiềm ẩn nguy cơ ký sinh trùng
Theo BSCKI Nguyễn Trần Như Thủy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cơ sở 3, những năm gần đây, việc tiêu thụ các món ăn từ thịt sống, nội tạng động vật hoặc thực phẩm chưa nấu chín kỹ ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, ăn sống - ăn tái không phải là trào lưu ăn uống an toàn. Ngược lại, thói quen này còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe mà người trẻ thường chủ quan bỏ qua.
Bác sĩ Thủy cảnh báo một số thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ cao nhiễm giun sán và ký sinh trùng. Gan và mật động vật có thể chứa sán lá gan, trong khi ruột non, dạ dày động vật như lòng, phá lấu là nơi ký sinh của nhiều loại giun sán. Tiết canh và máu sống dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus và trứng sán.
Cá nước ngọt sống, chẳng hạn như gỏi cá hay nem chua, có nguy cơ rất cao nhiễm sán lá gan nhỏ. Thịt heo, bò tái dễ chứa ấu trùng sán dải heo hoặc bò. Ngoài ra, cua, tôm sống hoặc chưa nấu kỹ, như gỏi tôm, mắm cua, cũng có thể gây nhiễm sán lá phổi.
Một số loại giun sán nguy hiểm dễ lây nhiễm qua thực phẩm sống hoặc tái, gây ra các triệu chứng dễ nhầm lẫn.
Sán dải heo (Taenia solium), thường có trong thịt heo tái, có thể di chuyển lên não, gây u nang và viêm não rất nguy hiểm.
Sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis), lây qua cá nước ngọt sống như gỏi cá, dễ dẫn đến viêm gan, xơ gan hoặc ung thư đường mật.
Sán lá phổi (Paragonimus spp.), tồn tại trong cua, tôm nước ngọt chưa nấu chín, gây ho kéo dài và dễ bị nhầm với lao phổi.
Giun xoắn (Trichinella spiralis), thường xuất hiện trong thịt heo rừng hoặc thú hoang dã, gây viêm cơ, tổn thương tim và thần kinh.
Cuối cùng, sán dải bò (Taenia saginata), có trong thịt bò sống hoặc tái, dẫn đến rối loạn tiêu hóa và giảm hấp thu dinh dưỡng.
Ký sinh trùng rất dễ xuất hiện trong các món ăn tái, sống, không chế biến bằng nhiệt (Ảnh minh họa: Phước Tấn).
Làm gì khi nghi ngờ ăn thực phẩm nhiễm ký sinh trùng?
Theo bác sĩ Hương, việc ăn phải nội tạng, thịt sống hoặc thực phẩm không được chế biến kỹ, đặc biệt là các loại động vật, có thể dẫn đến nhiễm các loại giun sán và ký sinh trùng nguy hiểm.
Biểu hiện ban đầu có thể là buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, sốt nhẹ hoặc sốt cao (nếu nhiễm nhiều), ngứa, nổi mề đay, phát ban do phản ứng miễn dịch, mệt mỏi, chán ăn kéo dài.
Trong trường hợp nặng, giun sán có thể gây tắc ruột. Đặc biệt, một số loại sán như sán dải heo (Taenia solium) nếu xâm nhập lên não có thể gây viêm não, động kinh, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Khi phát hiện hoặc nghi ngờ ăn phải thực phẩm nghi nhiễm sán, bác sĩ Hương khuyến cáo, mọi người cần giữ bình tĩnh và theo dõi kỹ biểu hiện cơ thể trong 24-72 giờ.
Mọi người cũng cần đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm phân, máu tìm ký sinh trùng và được bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp.
Mọi người tuyệt đối không tự ý dùng thuốc khi chưa xác định rõ ký sinh trùng do mỗi loại giun sán cần phác đồ điều trị khác nhau. Việc tự ý dùng thuốc có thể gây biến chứng hoặc không hiệu quả.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa mắc các bệnh từ thực phẩm, bao gồm cả nguy cơ nhiễm ký sinh trùng, mọi người cần tuân thủ theo 5 nguyên tắc sau của WHO.
Giữ vệ sinh sạch sẽ: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh. Giữ bếp, dụng cụ nấu ăn và thực phẩm luôn sạch sẽ để tránh vi khuẩn phát triển.
Tách riêng thực phẩm sống và chín: Dùng riêng thớt, dao và hộp đựng cho thực phẩm sống (như thịt, cá) và thực phẩm đã nấu chín, nhằm tránh tình trạng lây nhiễm chéo vi sinh vật từ thực phẩm sống sang thực phẩm đã qua chế biến.
Nấu chín kỹ thức ăn: Chỉ ăn khi thức ăn đã được nấu chín hoàn toàn. Điều này giúp tiêu diệt các loại vi khuẩn và ký sinh trùng có thể còn sót lại trong thực phẩm, đặc biệt là thịt và rau sống.
Giữ thực phẩm ở nhiệt độ an toàn: Không để thức ăn chín ngoài nhiệt độ phòng quá lâu. Cần bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh hoặc giữ nóng nếu chưa dùng ngay để hạn chế vi khuẩn phát triển.
Sử dụng nguyên liệu và nước an toàn: Chọn thực phẩm tươi, rõ nguồn gốc, và sử dụng nước sạch để rửa rau hoặc chế biến món ăn. Với rau sống, nên ngâm kỹ trong nước muối loãng hoặc dung dịch sát khuẩn thực phẩm trước khi ăn.
Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/nhung-mon-an-quen-thuoc-tren-mam-com-nguoi-viet-la-o-ky-sinh-trung-a255177.html