Một chiến binh người Bedouin đi gần một chiếc xe bị hư hại ở tỉnh Sweida vào ngày 19-7, sau khi Tổng thống Syria thông báo về lệnh ngừng bắn sau nhiều ngày bạo lực ở tỉnh Sweida - Ảnh: REUTERS
Có thể nói một lệnh ngừng bắn ở Syria dù tích cực nhưng không thể giải quyết được những căng thẳng sâu sắc giữa các chủ thể chính trị trong khu vực.
Tình hình bấp bênh
Nước Mỹ, một đồng minh thân thiết của Israel, đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm trung gian cho lệnh ngừng bắn. Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Tom Barrack và Ngoại trưởng Marco Rubio đã tích cực tham gia vào các nỗ lực ngoại giao.
Đại sứ Tom Barrack cho biết trong một bài đăng trên X vào sáng 19-7 rằng lệnh ngừng bắn giữa Syria và Israel đã được Washington "ủng hộ", cũng như được Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan cùng các nước láng giềng của Syria "chấp nhận".
Thỏa thuận này phản ánh một nỗ lực hòa giải thành công của Mỹ và các quốc gia đối tác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.
Đại sứ Barrack cho biết Mỹ và các đối tác kêu gọi người Druze, Bedouin và Sunni ở Syria hạ vũ khí "và cùng với các nhóm thiểu số khác xây dựng một bản sắc Syria mới và thống nhất".
Lời kêu gọi của ông Barrack cũng phơi bày mâu thuẫn về sắc tộc và tôn giáo mà chính phủ mới của Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa phải đối diện.
Sự ngờ vực sâu sắc giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo đa dạng - bao gồm người Alawite, Druze, Sunni và Bedouin - là một thách thức vô cùng lớn đối với việc củng cố quyền lực của Tổng thống al-Sharaa trên một đất nước đã bị tàn phá nặng nề bởi nội chiến kéo dài thập niên qua.
Trước khi có thỏa thuận ngừng bắn, các cuộc đụng độ bùng phát đã khiến ít nhất 321 người thiệt mạng và hơn 500 người bị thương khi lực lượng Chính phủ Syria can thiệp sau các cuộc tấn công giữa người Druze và các bộ lạc Bedouin địa phương ở Sweida. Điều này đã kích hoạt các cuộc không kích của Israel vào Syria, với lý do Tel Aviv cam kết bảo vệ người Druze.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định nước này "cam kết ngăn chặn thiệt hại cho người Druze ở Syria do liên minh huynh đệ sâu sắc với các công dân Druze của chúng tôi ở Israel, cùng với mối quan hệ gia đình và lịch sử của họ với người Druze ở Syria".
Mục tiêu của Mỹ, Israel
Ngoài viện dẫn lý do nhân đạo bảo vệ người Druze thân thiện với Nhà nước Do Thái, Israel từ lâu đã có những lợi ích chiến lược ở miền nam Syria. Đây mới chính là mục tiêu lớn hơn của Israel.
Chính phủ của ông Netanyahu muốn ngăn chặn việc thành lập các lực lượng thù địch gần biên giới của mình, đặc biệt là khu vực Syria tiếp giáp với cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Đây là một mục tiêu chiến lược nhằm duy trì một khu phi quân sự sát biên giới và chống lại các mối đe dọa khả dĩ từ chế độ Syria mới.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Syria al-Sharaa đã cáo buộc Israel tìm cách chia rẽ người dân Syria và biến Syria "thành một chiến trường hỗn loạn".
Còn chính quyền Tổng thống Trump, bên đã làm trung gian cho lệnh ngừng bắn, đang cực kỳ lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ở Syria tiếp tục gây bất ổn cho khu vực và làm suy yếu nỗ lực ngoại giao của Mỹ tại khu vực.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã cố gắng hướng các quốc gia Ả Rập trong khu vực ký kết Hiệp định Abraham - một loạt các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập, nhằm mang lại hòa bình lâu dài giữa các quốc gia Ả Rập với Nhà nước Do Thái.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã thành công trong việc bình thường hóa ngoại giao giữa Israel với UAE, Bahrain, Sudan và Morocco.
Vào tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với Tổng thống Syria al-Sharaa tại Riyadh, thủ đô của Arab Saudi. Đây là cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Syria trong nhiều thập niên.
Chính phủ Syria cũ dưới thời ông Bashar al-Assad được coi là có quan điểm đối kháng với Mỹ và thân thiết với Iran. Khi có sự thay đổi chế độ ở Damascus, mục tiêu chính của Mỹ khi hợp tác với Chính phủ Syria mới là cô lập Iran.
Về mặt chiến lược, Washington coi sự ổn định của Chính phủ Damascus mới là có lợi cho việc cô lập Iran và có khả năng đưa Syria vào một khuôn khổ hòa bình khu vực rộng lớn hơn.
Lệnh ngừng bắn này có thể được coi là một bước nhỏ theo hướng đó, thể hiện khả năng gây sức ép của Mỹ.
Do đó, một thỏa thuận hưu chiến tức thời rất quan trọng để cho phép tiếp tục các hoạt động ngoại giao được diễn ra cũng như tạo nền tảng cho một con đường bình thường hóa quan hệ giữa Syria và Israel, như đã hình dung trong Hiệp định Abraham.
Tuy nhiên, một nhân tố có thể phá bĩnh mọi tính toán của chính quyền Mỹ chính là Tel Aviv. Thủ tướng Israel Netanyahu đã ca ngợi lệnh ngừng bắn là "quan trọng", nhưng đồng thời cảnh báo rằng Israel "sẽ tiếp tục hành động khi cần thiết".
Do đó sẽ là quá sớm để quá lạc quan về một sự thay đổi cơ bản hướng tới hòa bình bền vững và hành vi ít can thiệp hơn của Israel trong khu vực Trung Đông rộng lớn.
Tạo tiền lệ xấu
Việc Tel Aviv sẵn lòng tiến hành các cuộc không kích sâu vào lãnh thổ Syria bao gồm cả thủ đô Damascus tạo tiền lệ xấu cho các cuộc can thiệp trong tương lai nếu nước này nhận thấy các mối đe dọa đối với an ninh của mình hoặc đối với các nhóm thiểu số mà nước này coi là đồng minh.
Thậm chí nước Mỹ cũng không vui. Hôm 17-7, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố rằng Washington không ủng hộ các cuộc không kích gần đây của Israel vào Syria, nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ đã bày tỏ sự không hài lòng và nhanh chóng hành động để giúp giảm leo thang căng thẳng.
Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/toan-tinh-cua-my-israel-sau-thoa-thuan-sweida-a253760.html