![]() |
Theo lộ trình dự kiến, đến cuối năm 2029, xe xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động vận tải công nghệ trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Phương Lâm. |
Chương trình đổi xe xăng sang xe điện (trade-in program) được thiết kế như một phần của loạt giải pháp về công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu mãi, nhằm hiện thực hóa đề án chuyển đổi xe 2 bánh từ xăng sang điện cho tài xế công nghệ và giao hàng.
Theo ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS), ước tính TP.HCM đang có khoảng 400.000 tài xế công nghệ và giao hàng sử dụng xe máy xăng.
Khi số tài xế này chuyển sang xe máy điện, cần phân loại các phương tiện xe xăng hiện có theo tình trạng sử dụng để đưa ra phương án xử lý phù hợp.
Doanh nghiệp thu mua xe xăng, trợ giá xe điện
Trong dự thảo đề án, Viện đề xuất các doanh nghiệp xe điện thu mua xe xăng và cấp phiếu giảm giá để tài xế mua xe điện. Trong đó, xe xăng cũ sẽ được thẩm định nhanh dưới 15 phút, báo giá công khai và khấu trừ trực tiếp vào hóa đơn mua xe điện.
Gói ưu đãi có thể là giảm 15-20% giá niêm yết, hoàn thêm 4% cho khách hàng thân thiết. Tài xế nền tảng công nghệ sẽ được chia sẻ doanh thu 90% trong năm đầu, 85% trong năm thứ 2 và 3.
Chương trình cũng đã thiết kế gói vay vi mô lãi suất ưu đãi, giảm 2 điểm % so với mặt bằng chung trên thị trường, riêng tài xế thu nhập thấp còn được giảm thêm lãi suất vay. Tài xế cũng được tự động trích nợ qua ứng dụng công nghệ, không yêu cầu thế chấp.
Chia sẻ thêm, ông Hải cho biết các tài xế có thể bán xe xăng hiện có với trị giá trung bình khoảng 8 triệu đồng. Số tiền này có thể dùng để thanh toán đợt đầu, tương ứng 20-25% giá trị chiếc xe điện 30 triệu đồng.
Khoản tiền còn lại khoảng 24 triệu đồng sẽ được tài xế trả góp. Với mức tiết kiệm ước tính 1 triệu đồng mỗi tháng của việc dùng xe điện thay vì xe xăng, tài xế có thể hoàn tất việc trả góp trong khoảng 24-30 tháng. Sau khi trả xong, tài xế sẽ hoàn toàn sở hữu chiếc xe điện và tiếp tục hưởng lợi 1 triệu đồng tiết kiệm mỗi tháng. Ông Hải cho hay các tài xế đã chuyển xe xăng sang điện tiết lộ mức tiết kiệm thực tế còn cao hơn con số 1 triệu đồng.
Trước khi quyết định mua xe điện, tài xế có thể trải nghiệm lái thử tại chỗ, với đội ngũ nhân viên tư vấn về pin, trạm sạc và chi phí vận hành.
Tài xế đổi xe xăng sang xe điện có thể đưa xe xăng đến các đại lý ủy quyền hoặc điểm đổi pin để nhận thu hồi. Việc hủy đăng ký lưu hành được thực hiện ngay trên cơ sở dữ liệu điện tử "EV-Switch", hệ thống theo dõi quá trình chuyển đổi phương tiện.
Với trường hợp xe quá cũ, Viện đưa ra phương án tái chế sau thu hồi theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 31:2024 không phục hồi, bán lại hoặc tái xuất xe xăng nguyên chiếc.
Kim loại thu hồi (thép, nhôm) sẽ được ưu tiên tái nhập chuỗi cung ứng sản xuất khung, mâm xe điện trong nước, góp phần giảm rác thải đô thị và nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu.
Viện cũng đề nghị doanh nghiệp tái chế phải đạt chứng nhận ISO 14001, chịu trách nhiệm tháo dỡ, cấp chứng thư "đã phá hủy" để được nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ tín dụng chuyển đổi xanh.
Theo lộ trình đề xuất, từ tháng 1/2026, TP.HCM sẽ ngừng cho phép đăng ký mới phù hiệu, tức ngừng ký hợp đồng mới đối với tài xế xe máy xăng trên các nền tảng gọi xe công nghệ. Các tài xế sử dụng xe xăng đã được đăng ký trước thời điểm này vẫn được phép hoạt động, song cần lên kế hoạch chuyển đổi.
Từ năm 2027, TP sẽ áp dụng biện pháp hạn chế xe xăng hoạt động vào giờ cao điểm tại các vùng phát thải thấp. Năm 2028 siết chặt hơn việc kiểm soát khí thải theo quy định và đến cuối năm 2029, xe xăng sẽ bị cấm hoàn toàn trong hoạt động vận tải công nghệ trên địa bàn TP.HCM.
Không lo "chảy" xe xăng về nông thôn
Để tránh việc đẩy xe xăng cũ về nông thôn hoặc xuất khẩu dưới dạng phế thải, Viện đề xuất thiết lập cơ chế xử lý minh bạch, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy chuẩn QCVN 31:2024 và tối đa hóa khả năng tái sử dụng kim loại.
Dẫu vậy, nếu xe xăng còn tương đối tốt (có thể dùng thêm vài năm), ông Lê Thanh Hải cho rằng vẫn có thể di chuyển về các địa phương khác như vùng nông thôn, nơi quy định về kiểm định khí thải chưa nghiêm ngặt như tại TP.HCM và Hà Nội.
"Mặc dù việc này có thể được nhìn nhận là đẩy phát thải từ đô thị về nông thôn, đây là điều không tốt. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các khu vực đô thị đang chịu mức độ ô nhiễm cao gây ra các bệnh hô hấp, trong khi các khu vực nông thôn còn sức chịu đựng ô nhiễm trong vài năm tới", ông giải thích thêm.
Hoặc trong trường hợp số xe máy xăng này được những người dân khác mua lại để đáp ứng nhu cầu di chuyển hàng ngày - với ước tính mức độ sử dụng chỉ bằng 1/3 đến 1/4 tài xế công nghệ, giao hàng, thì ông Hải nhấn mạnh lượng phát thải nhìn chung cũng sụt giảm.
Tại dự thảo đề án, Viện cũng đề xuất cơ chế giám sát được thực hiện bởi liên ngành Giao thông vận tải - Tài nguyên và Môi trường - Công Thương - Công an, kiểm tra trực tuyến, công bố dữ liệu thu hồi và chi phí trợ giá trên cổng dữ liệu mở.
"Mục tiêu trong giai đoạn 2025 - 2027 là giảm 20-25% số xe máy xăng đang lưu hành và thu hồi 80% xe xăng cũ phát sinh", dự thảo nêu rõ.
Để truyền thông lan tỏa chương trình và kích hoạt cộng đồng, Viện đề xuất hợp tác với những người có sức ảnh hưởng (KOL), các hội xe điện, cũng như triển khai một số hoạt động như livestream, bốc thăm trúng thưởng, tặng mũ bảo hiểm và bảo hiểm pin năm đầu. Đồng thời, khối lượng CO2 giảm phát thải từ chương trình sẽ được báo cáo và giao dịch trên Sàn Carbon TP.HCM.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/tai-xe-grab-be-o-tphcm-co-the-doi-400000-xe-xang-sang-dien-ra-sao-a253502.html