Sáp nhập tỉnh thành mở ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam

Ngành gỗ đang phải đối mặt thách thức liên quan sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô, linh kiện, công nghệ.

Sáp nhập tỉnh thành mở ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam- Ảnh 1.

Việt Nam vừa trải qua 2 tuần đặc biệt bước vào giai đoạn cải cách hành chính sâu rộng nhất trong suốt nhiều thập niên qua. Việc sáp nhập các tỉnh, thành không chỉ là giải pháp tinh gọn bộ máy mà còn là chiến lược phát triển nhằm khai thác tối đa lợi thế vùng.

Chủ trương này sẽ tạo ra những “siêu tỉnh” có quy mô kinh tế lớn, khả năng cạnh tranh cao và sức bật mới cho các ngành kinh tế chủ lực, đồng thời đặt ra yêu cầu cấp thiết về cách thức phát huy hiệu quả các nguồn lực đặc thù của từng địa phương trong một cấu trúc phát triển thống nhất.

Theo các chuyên gia, việc sáp nhập tỉnh, thành tại Việt Nam là một chủ trương mang tính chiến lược, tạo động lực cho nền kinh tế nói chung và các ngành nghề, doanh nghiệp nói riêng phát triển có hệ thống, tạo thành các chuỗi giá trị quy mô, bền vững.

Đặc biệt là ngành gỗ, ông Phùng Quốc Mẫn, Chủ tịch HAWA, cho rằng không gian kinh tế liên hoàn mới sẽ giúp ngành gỗ tận dụng hiệu quả logistics và mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong 3 địa phương cũ, Bình Dương vốn là thủ phủ ngành gỗ với kim ngạch xuất khẩu gần 5 tỷ USD; Tp.HCM là trung tâm thương mại – công nghệ; còn Bà Rịa – Vũng Tàu nắm giữ cảng biển chiến lược. Sự hợp nhất sẽ tạo nên chuỗi giá trị khép kín, tăng tốc độ phản ứng thị trường và giảm chi phí vận hành.

Phía các doanh nghiệp trong HAWA cũng nhấn mạnh việc cấu trúc hệ thống nhà máy theo địa bàn hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp giảm 5%-10% chi phí logistics.

Hiện Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là điểm đến "Trung Quốc + 1" cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Trong đó, Việt Nam có vị thế chiến lược, hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi, tăng đầu tư, xuất khẩu. Thông tin đáng chú ý phía HAWA cho biết, Mỹ đang hợp tác với Việt Nam để tăng cường giám sát chuỗi cung ứng, gồm ngành gỗ.

Song, ngành gỗ đang phải đối mặt thách thức liên quan sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nguyên liệu thô, linh kiện, công nghệ.

Sáp nhập tỉnh thành mở ra cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam- Ảnh 2.

Thống kê cho thấy, năm 2024, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu 8,8 tỷ USD vào Mỹ, tăng 24% so với năm 2023 và chiếm hơn nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu hơn 316 triệu USD từ Mỹ, tăng 33% và chiếm 11% tổng kim ngạch nhập khẩu của ngành gỗ.

Với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm qua đạt trên 2,04 tỷ USD, tăng 18% so với 2023 và chiếm 13% tỷ trọng. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng 44% và chiếm 39% tổng kim ngạch ngành.

Sang 5 tháng đầu năm 2025, tổng xuất khẩu của Việt Nam đi Mỹ tiếp tục tăng hơn 10%v lên 3,7 tỷ USD, chiếm 55,4% tổng kim ngạch ngành. Nhập khẩu tăng mạnh hơn 52% lên 176 triệu USD.

Về phía Trung Quốc, tổng xuất khẩu từ Việt Nam đi đã giảm mạnh hơn 29% chỉ còn 0,7 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn tăng 15,5% lên 511,6 triệu USD, chiếm đến 42% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn ngành.

Ở diễn biến khác, các nhà xuất khẩu ngành gỗ hàng đầu tập trung tại các tỉnh phía Nam (Bình Dương, Đồng Nai), trong đó hầu hết là các doanh nghiệp FDI. Thống kê cho thấy có sự mất cân bằng giữa doanh nghiệp nội địa và FDI.

Chi tiết, các doanh nghiệp FDI chỉ chiếm 25%-30% số lượng song tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 67-71% của toàn ngành gỗ vào Mỹ. Trong khi đó, các doanh nghiệp vốn đầu tư nội địa chiếm đến 70-75% về số lượng doanh nghiệp, nhưng kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm 29-33% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ vào Mỹ.

Theo đó, HAWA kêu gọi hợp tác cơ quan chức năng đưa ra giải pháp khắc phục như chủ động phát triển vùng nguyên liệu gỗ FSC/VFCS PEFC, hợp tác công – tư giữa doanh nghiệp và nông dân phát triển rừng gỗ lớn, tăng sản lượng và chất lượng ván nhân tạo nội địa….

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/sap-nhap-tinh-thanh-mo-ra-co-hoi-cho-nganh-go-viet-nam-a253356.html