Dự án điện mặt trời 14 triệu USD thành phế liệu: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại Dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời tỉnh Quảng Bình cho các bản thuộc những xã điện lưới quốc gia không đến được (Dự án QBSC) đã được Thanh tra tỉnh Quảng Bình (cũ) kết luận.

 Lấy tiền tập huấn cho lãnh đạo đi du lịch Hàn Quốc

Năm 2012 Chính phủ Việt Nam ký hiệp định vay 12 triệu USD Chính phủ Hàn Quốc và bỏ thêm gần 1,8 triệu USD vốn đối ứng để giao cho tỉnh Quảng Bình (cũ) thực hiện Dự án QBSC , gồm 399 điểm cấp điện tại 8 xã gồm: Ngân Thủy, Kim Thủy (Lệ Thủy); Trường Xuân, Trường Sơn (Quảng Ninh); Thượng Trạch, Tân Trạch, thị trấn Phong Nha (Bố Trạch); Trọng Hóa (Minh Hóa).

Dự án điện mặt trời 14 triệu USD thành phế liệu: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục- Ảnh 1.

Hơn 85% điểm cấp điện bị hư hỏng, mất cắp, chập cháy.

Mục tiêu của dự án là cung cấp điện năng ổn định và tin cậy cho hơn 1.200 hộ gia đình và các cơ quan đơn vị dịch vụ công dọc trên 170 km biên giới Việt – Lào… góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội , an ninh biên giới quốc gia.

Dự án có 7 gói thầu, trong đó 5 gói thầu sử dụng vốn đối ứng trong nước, còn 2 gói thầu chính sử dụng vốn vay gồm: Gói thầu số 2 “Dịch vụ tư vấn khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật thi công và tổng dự toán, hỗ trợ đấu thầu, giám sát xây dựng và đào tạo, hướng dẫn vận hành hệ thống”, giá trị 1,39 triệu USD, do Tập đoàn Dohwa Engineering Co. (Hàn Quốc) đứng đầu liên danh trúng thầu; Gói thầu số 7 “Xây lắp và thiết bị”, giá trị 7,39 triệu USD do Công ty KT Corporation (Hàn Quốc) trúng thầu.

Dự án điện mặt trời 14 triệu USD thành phế liệu: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục- Ảnh 2.

Nhiều thiết bị mất cắp nhưng chẳng ai quan tâm.

Dự án điện mặt trời 14 triệu USD thành phế liệu: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục- Ảnh 3.

Hư hỏng chẳng ai sửa, gần 14 triệu USD phơi mưa nắng.

Do trục trặc trong đấu thầu, mãi đến tháng 7/2015 mới khởi công được dự án; điểm cuối cùng được nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 5/2018; nghiệm thu bảo hành toàn bộ công trình vào tháng 9/2019.

Tại gói thầu số 2: Qua thanh tra phát hiện , tháng 8/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) ban hành Quyết định số 1957, cử cán bộ quản lý Dự án đi tập huấn quản lý tại Hàn Quốc theo hợp đồng tư vấn. Chuyến đi có 13 người, đa số không đúng đối tượng tham gia tập huấn, tiêu tốn hết 63.291 USD.

Tiếp đến, tháng 6/2013, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 1299, cử cán bộ kỹ thuật đi Hàn Quốc đào tạo vận hành hệ thống điện sau khi hoàn thành. Chuyến đi này có 15 người, chủ yếu là lãnh đạo các sở, ngành và các huyện hưởng lợi dự án chứ không có cán bộ kỹ thuật. Và điểm đến là các địa điểm du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc, tiêu tốn hết 36.451 USD.

Dự án điện mặt trời 14 triệu USD thành phế liệu: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục- Ảnh 4.

Cán bộ lãnh đạo dành phần cán bộ kỹ thuật đi "tập huấn" nên không ai biết cách vận hành, khiến các thiết bị chập cháy.

Hơn 85% điểm cấp điện không cấp được điện

Đối với Gói thầu số 7 xây lắp và thiết bị, thanh tra chỉ ra rằng: Ban quản lý dự án (Ban QLDA) QBSC đã tự ý nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán hợp đồng thi công xây dựng khi không có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở Công Thương).

Điều đáng nói, ngày 18/1/2022, UBND tỉnh Quảng Bình thành lập Đoàn kiểm tra số 137, gồm Sở Công Thương, Sở Xây dựng và đã phát hiện sai phạm này. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra số 137 đã không đề xuất UBND tỉnh giao cơ quan có thẩm quyền (Sở Xây dựng) lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, dẫn đến toàn bộ Dự án chưa được quyết toán, chưa thể kết thúc Dự án theo quy định của pháp luật Việt Nam và nhà tài trợ vốn.

Dự án điện mặt trời 14 triệu USD thành phế liệu: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục- Ảnh 5.

Nhiều điểm cấp điện đã không cấp được điện nhưng vẫn nghiệm thu, bàn giao.

Đặc biệt, sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng, nghiệm thu đưa tài sản vào sử dụng, Ban QLDA QBSC không xác định nguyên giá tạm tính để ghi sổ kế toán, nên đến nay chưa có cơ quan, đơn vị nào thực hiện việc ghi sổ và kế toán tài sản cố định dẫn đến việc các tài sản này không được cơ quan, đơn vị nào quản lý, theo dõi để tính hao mòn của tài sản cố định.

Ngoài ra, đến ngày 7/5/2018, điểm cấp điện cuối cùng được nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên, 40 tháng sau, ngày 2/3/2022, Ban QLDA QBSC mới có tờ trình và hồ sơ quyết toán gửi UBND tỉnh, Sở Tài chính xin phê duyệt quyết toán hoàn thành dự án.

Theo kết luận thanh tra, nhà thầu đã hoàn thành lắp đặt 399 điểm cấp điện, với tổng công suất 749,5 kW. Tại thời điểm thanh tra (tháng 3/2023) chỉ có 58/399 điểm cấp điện đang hoạt động chiếm tỷ lệ 14,6%, trong đó có 7 điểm hoạt động ổn định, chiếm tỷ lệ 1,8%; 51 điểm hoạt động không ổn định, chiếm tỷ lệ 12,8% và 341/399 điểm cấp điện không hoạt động, chiếm tỷ lệ 85,4%.

Dự án điện mặt trời 14 triệu USD thành phế liệu: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục- Ảnh 6.

Hàng trăm ắc quy bị thiêu rụi do chập cháy.

Có nhiều điểm cấp điện đã mất các thiết bị chính như tấm pin mặt trời (250W), ắc quy (12V-200AH), bộ chuyển đổi, bộ điều khiển, hộp đấu nối... trong đó có 69 điểm cấp điện mất gần như toàn bộ thiết bị của hệ thống, thiệt hại hơn 11,3 tỉ đồng. Tại nhiều điểm cấp điện xảy ra tình trạng chập cháy dẫn tới hư hỏng hoàn toàn gồm: 8 tấm pin mặt trời (250W) và 346 ắc quy (12V-200AH)… thiệt hại hơn 2,2 tỉ đồng.

Ngoài ra, sau khi nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng, UBND các xã hưởng lợi đã thành lập tổ quản lý, vận hành. Tuy nhiên, do không có kinh phí và thành viên chủ yếu kiêm nhiệm nên tổ quản lý, vận hành gần như không hoạt động.

Từ những sai phạm nói trên, Thanh tra tỉnh Quảng Bình (cũ) đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với các cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý gồm các ông: Nguyễn Xuân Quang (nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Chỉ đạo dự án); Mai Văn Nhị, Võ Quang Minh (nguyên Giám đốc Ban QLDA QBSC); Lê Trá Khoái; Nguyễn Việt Hà (nguyên phụ trách Ban QLDA QBSC); Đào Anh Tuấn (Phó Giám đốc Sở Công Thương, Trưởng Đoàn kiểm tra số 137).

Kết luận thanh tra cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu kiểm điểm trách nhiệm và chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền kiểm điểm trách nhiệm đối với các tập thể: Sở Công Thương; Ban QLDA QBSC; UBND các xã: Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ, Trường Xuân, Trường Sơn, thị trấn Phong Nha, Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong và nhiều cá nhân liên quan.

Ngoài ra, kết luận thanh tra yêu cầu các địa phương chỉ đạo Công an vào cuộc điều tra, kết luận những vụ trộm cắp thiết bị của dự án để xử lý theo pháp luật. Giao Sở Công thương chủ trì tham mưu phương án sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng. Đồng thời, đề xuất kinh phí để tái thành lập tổ quản lý, vận hành nhằm cấp điện trở lại.

Dự án điện mặt trời 14 triệu USD thành phế liệu: Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khó khắc phục- Ảnh 7.

Như hư hỏng, chập cháy, mất cắp... rất khó khắc phục để cấp điện trở lại.

Liên quan đến Dự án QBSC, nhiều năm qua Báo Tiền Phong đã có nhiều bài phản ánh về những sai phạm ở dự án này, nhưng mãi đến năm 2023 cơ quan chức năng mới vào cuộc và đã chỉ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng ở dự án này. Gần 14 triệu USD thành phế liệu vì sai phạm của những cán bộ có liên quan, nhưng chỉ bị đề nghị kiểm điểm trách nhiệm, liệu có thoả đáng đối với hơn 1.200 hộ dân tộc thiểu số đang ngày đêm chờ ánh sáng văn minh? 

 

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/du-an-dien-mat-troi-14-trieu-usd-thanh-phe-lieu-hang-loat-sai-pham-nghiem-trong-kho-khac-phuc-a251894.html