Chữa bệnh bằng sái thuốc phiện, hậu quả khôn lường

() - Việc sử dụng các mẹo dân gian, bài thuốc "truyền miệng" dùng sái thuốc phiện để chữa bệnh hay các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường cho người bệnh.

Phân tích thêm về vụ việc bệnh nhi 1 tháng tuổi ngộ độc sái thuốc phiện nêu trên, Bác sĩ Trương Văn Sơn, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình cho hay, các chất có nguồn gốc từ nhựa cây thuốc phiện (Opioid), thực tế thường dùng để chỉ các dẫn chất của morphin.

“Các bậc phụ huynh không nên sử dụng các loại thuốc “truyền miệng” cho trẻ sơ sinh, bởi trong thành phần của những loại thuốc này có thể chứa các chất khiến trẻ bị ngộ độc, ức chế hô hấp, ức chế thần kinh, rối loạn điện giải, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy kịch đến tính mạng”, bác sĩ chia sẻ.

Chữa bệnh bằng sái thuốc phiện, hậu quả khôn lường - 1

Bệnh nhi 1 tháng tuổi bị ngộ độc sái thuốc phiện được các bác sĩ cấp cứu kịp thời (Ảnh: BVCC).

Các Opioid (thuốc phiện) trong đời sống hàng ngày thường được phân loại thành dạng tự nhiên, bán tổng hợp và tổng hợp.

Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc phiện thường do sử dụng quá liều (phổ biến), do cố ý (tự tử), vô ý (nhầm liều, quên đã uống) hoặc do dung nạp thuốc thấp.

Bên cạnh đó, còn có các nguyên nhân khác như sử dụng kết hợp với các chất ức chế thần kinh như rượu, một số thuốc an thần, thuốc ngủ; thay đổi đường dùng thuốc, hoặc trẻ em vô tình uống phải hay sử dụng với mục đích không đúng chỉ định (chống tiêu chảy…).

Theo bác sĩ Trương Văn Sơn, khi bị ngộ độc thuốc phiện, người bệnh thường có những biểu hiện lâm sàng như: Bị ức chế thần kinh trung ương; đồng tử co nhỏ; bị ức chế hô hấp có thể gây tử vong; tác dụng trên hệ tim mạch; các tác dụng trên hệ tiêu hóa.

“Các biến chứng khác của ngộ độc Opioid bao gồm: Ứ đọng nước tiểu do tăng trương lực cơ thắt, suy thận cấp do tiêu cơ vân cấp, hạ đường máu và hạ thân nhiệt…”, bác sĩ Sơn cho biết thêm.

Đối với biểu hiện lâm sàng bị ức chế thần kinh trung ương, người bệnh bị ảnh hưởng tri giác, thay đổi từ lơ mơ, ngủ gà tới hôn mê, có thể bồn chồn, loạn thần, có thể co giật (hiếm gặp).

Người bệnh bị đồng từ co nhỏ là dấu hiệu lâm sàng kinh điển thứ hai ở các bệnh nhân ngộ độc Opioid và thấy ở hầu hết các trường hợp.

Bị ức chế hô hấp có thể gây tử vong là đặc điểm thứ ba của ngộ độc Opioid. Biểu hiện này người bệnh thở chậm, thở nông hoặc nặng hơn phù phổi cấp (trào bọt hồng qua miệng, ran ẩm 2 phổi)… dẫn đến ngừng thở. Suy hô hấp là dấu hiệu nguy hiểm và là nguyên nhân chính gây tử vong.

“Khi người bệnh bị ngộ độc Opioid cần có các phương pháp xử trí như: Đảm bảo đường thở thông thoáng và hỗ trợ hô hấp (là vấn đề ưu tiên hàng đầu, đặc biệt ở bệnh nhân suy hô hấp). Sử dụng thuốc giải độc đặc hiệu, hồi sức tuần hoàn.

Ngoài ra, điều trị các biến chứng như phù phổi, co giật, rối loạn điện giải. Khi được cấp cứu tại cơ sở y tế, cần theo dõi tại bệnh viện ít nhất 24h, đặc biệt là ngộ độc các loại Opioid tác dụng kéo dài như methadone, fentanyl..”, bác sĩ Sơn cho hay.

Trước đó, bác đưa tin, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Ninh Bình đã cấp cứu thành công cháu Đ.N.M.C. (1 tháng tuổi, trú tỉnh Ninh Bình), bị ngộ độc sái thuốc phiện.

Theo thông tin gia đình cung cấp, ở nhà cháu bé có biểu hiện khó chịu, quấy khóc, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, gia đình đã tự ý pha loãng sái thuốc phiện cho bé uống (sái thuốc phiện là một bài thuốc dân gian truyền miệng, được cho là sẽ giúp trẻ giảm tiêu chảy).

Sau khi uống sái thuốc phiện, cháu bé quấy khóc nhiều hơn, mệt lả, phản xạ kém, thở nấc, gia đình nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/chua-benh-bang-sai-thuoc-phien-hau-qua-khon-luong-a250268.html