Sau sáp nhập, hàng loạt tỉnh giảm 80% phí đăng ký ô tô, có 2 địa phương tăng 20 lần

Sau sáp nhập, đại đa số các tỉnh thành trên cả nước được hưởng lợi từ chính sách mới khi đăng ký xe.

Ngày 1/7, Bộ Tài chính ban hành thông tư số 71/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí.

Đây là văn bản pháp lý thay thế Thông tư 229/2016/TT-BTC cũ, mang đến nhiều thay đổi quan trọng trong việc phân loại và áp dụng mức thu lệ phí cấp biển số ô tô.

Điểm đáng chú ý nhất là việc phân chia các địa phương thành 3 khu vực để áp dụng mức phí khác nhau, thay vì chỉ hai như trước. Theo đó: Khu vực I bao gồm thành phố Hà Nội và TP.HCM. Khu vực II gồm các thành phố trực thuộc Trung ương khác (như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ), các thành phố thuộc tỉnh và thị xã đã được phân loại đô thị loại I, loại II, loại III. Khu vực III là các địa phương còn lại.

Một số địa phương như tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) sau khi hợp nhất với TP.HCM, người dân sẽ phải nộp lệ phí đăng ký ô tô con lần đầu lên tới 20 triệu đồng, tăng mạnh so với mức cũ là 1 triệu đồng—tức tăng thêm 19 triệu đồng. Mức phí này áp dụng cho tất cả các xã, phường trực thuộc TP.HCM, không phân biệt nội hay ngoại thành, trừ các đặc khu trực thuộc cấp tỉnh như Côn Đảo (vẫn áp dụng mức thấp hơn). 

Hàng loạt tỉnh thành được "giảm tải" chi phí

Trái ngược với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, đại đa số các tỉnh thành khác trên cả nước lại được hưởng lợi từ chính sách mới. Theo Thông tư 18, các địa phương thuộc Khu vực II (trừ các đô thị loại I, II, III thuộc tỉnh) và Khu vực III sẽ áp dụng mức phí cấp biển số ô tô chỉ còn 200.000 đồng/lượt so với trước đó là 1 triệu đồng, tức giảm đến 80%.

Ví dụ, một số địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa... trước đây có thể phải đóng 1 triệu đồng, nay sẽ chỉ còn 200.000 đồng.

Sau sáp nhập, hàng loạt tỉnh giảm 80% phí đăng ký ô tô, có 2 địa phương tăng 20 lần- Ảnh 1.

Mức phí đăng ký xe ô tô từ 1/7/2025

Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc sở hữu phương tiện cá nhân tại các khu vực này.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh mức phí này nhằm phù hợp với việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính và xu hướng phát triển đô thị. Việc tăng phí tại các đô thị lớn được xem là giải pháp để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm áp lực ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đồng thời, nó cũng nhằm đảm bảo công bằng giữa các đô thị có mức độ phát triển tương đương.


Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/sau-sap-nhap-hang-loat-tinh-giam-80-phi-dang-ky-o-to-co-2-dia-phuong-tang-20-lan-a250218.html