Hãng sản xuất nhà vệ sinh Nhật Bản với công nghệ hiếm có được quỹ đầu tư nổi tiếng khao khát, chấp nhận bỏ 634 triệu USD thâu tóm khiến giới tài chính bất ngờ

Thương hiệu Nhật Bản này là nhà cung ứng độc quyền cho Boeing và Airbus, thế nhưng thứ khiến nhà đầu tư thèm khát lại là công nghệ chuyên sâu cực kỳ quan trọng mà rất ít doanh nghiệp có được.

Khi Bain Capital – một trong những quỹ đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới – quyết định rót 634 triệu USD để thâu tóm JAMCO Corporation, giới tài chính không khỏi bất ngờ. Bởi lẽ, JAMCO không phải là một công ty công nghệ "hot", cũng không có lợi nhuận tỷ USD. Nhưng ẩn sau cái tên khiêm tốn đó là một mắt xích chiến lược không thể thiếu trong ngành hàng không toàn cầu.

Vậy điều gì khiến JAMCO trở thành viên kim cương thô đủ hấp dẫn để Bain đặt cược?

Trên thực tế trong thế giới đầu tư, có những thương vụ vang dội vì quy mô, cũng có những vụ lặng lẽ nhưng mang tầm ảnh hưởng chiến lược sâu sắc. Việc Bain Capital chi 634 triệu USD để thâu tóm JAMCO – một công ty Nhật Bản chuyên sản xuất nội thất máy bay – thuộc loại thứ hai.

Hãng sản xuất nhà vệ sinh Nhật Bản với công nghệ hiếm có được quỹ đầu tư nổi tiếng khao khát, chấp nhận bỏ 634 triệu USD thâu tóm khiến giới tài chính bất ngờ- Ảnh 1.

Đằng sau thương vụ này là một câu chuyện lớn hơn: bản đồ tái thiết chuỗi cung ứng hàng không toàn cầu, và JAMCO là mảnh ghép mà Bain Capital không thể không có.

Không thể thay thế

Điều khiến JAMCO nổi bật không nằm ở quy mô, mà nằm ở năng lực công nghệ chuyên sâu mà rất ít doanh nghiệp toàn cầu có được.

Xin được nhắc rằng nhiều thập kỷ hoạt động trong ngành đã cho phép JAMCO tích lũy được bí quyết về vật liệu, quy trình sản xuất, thiết kế tối ưu hóa trọng lượng và độ bền, cũng như cách tích hợp các hệ thống phức tạp trong không gian hạn chế của máy bay. Đây là những tài sản vô hình cực kỳ giá trị, khó có thể sao chép.

Điểm ấn tượng nhất của JAMCO không chỉ nằm ở sản phẩm mà ở quy trình sản xuất đạt chuẩn quốc phòng và hàng không cao nhất thế giới: Nadcap (quốc phòng – hàng không), JIS Q 9100 và ISO cho sản xuất nội thất máy bay, cho phép họ tham gia trực tiếp vào chuỗi cung ứng Boeing & Airbus mà không qua trung gian.

Đặc biệt, JAMCO sở hữu công nghệ "ADP" (Advanced Pultrusion Process) – công nghệ gia công vật liệu composite CFRP siêu nhẹ, có độ bền cao, ứng dụng trên các bộ phận chịu lực của máy bay như tầng trên của Airbus A380. Đây là lợi thế cực kỳ quan trọng trong bối cảnh ngành hàng không đòi hỏi giảm trọng lượng – tiết kiệm nhiên liệu – cắt giảm khí thải.

Ngoài ra, hãng còn có hệ thống kiểm tra không phá hủy (NDI), xử lý nhiệt cao cấp, hàn vật liệu siêu nhẹ – những kỹ năng có tính rào cản kỹ thuật cực cao.

JAMCO không sản xuất máy bay, nhưng họ tạo ra những phần "con người cảm nhận rõ nhất" trên máy bay – từ buồng vệ sinh, bếp, đến ghế thương gia. Quan trọng hơn, JAMCO là nhà cung cấp nội thất độc quyền cho Boeing, đồng thời là đối tác chiến lược của Airbus.

Trong ngành hàng không, chuỗi cung ứng có tính ổn định và chứng nhận khắt khe đến mức một nhà cung cấp đủ năng lực và được chứng nhận quốc tế gần như không thể thay thế trong 10–20 năm là điều rất hiếm.

Không phải ai cũng "lọt vào" được danh sách nhà cung cấp của Boeing hay Airbus – và một khi đã có vị trí trong đó, gần như có hợp đồng dài hạn lên tới cả thập kỷ.

JAMCO là nhà cung cấp độc quyền lavatory và galley cho nhiều dòng máy bay chính của Boeing: 787 Dreamliner, 747-8, 777X. Hãng cũng là đối tác tích hợp nội thất cho Airbus A380 và A350, cung cấp cả hệ thống cabin, ghế hạng thương gia và bảng điều khiển điện tử.

Hãng sản xuất nhà vệ sinh Nhật Bản với công nghệ hiếm có được quỹ đầu tư nổi tiếng khao khát, chấp nhận bỏ 634 triệu USD thâu tóm khiến giới tài chính bất ngờ- Ảnh 2.

Trong ngành có chu kỳ thiết kế 20–30 năm, điều này tạo ra nguồn doanh thu ổn định, khó bị giành mất, gần như "độc quyền tự nhiên".

Qua nhiều năm, JAMCO đã xây dựng được mối quan hệ bền chặt với các nhà sản xuất máy bay lớn như Boeing, cũng như các hãng hàng không hàng đầu thế giới. Đây không chỉ là quan hệ khách hàng-nhà cung cấp mà còn là sự hợp tác trong phát triển sản phẩm, nơi JAMCO có thể tham gia vào giai đoạn thiết kế sớm của các mẫu máy bay mới. Vai trò này giúp họ giữ vững vị thế và thích nghi nhanh chóng với các yêu cầu của thị trường.

Hệ quả là Bain nhìn thấy ở JAMCO một lợi thế tự nhiên, một cửa ngõ để chiếm lấy chuỗi hàng không toàn cầu.

Bain Capital không chỉ muốn sở hữu JAMCO – họ muốn biến JAMCO thành bệ phóng để hợp nhất ngành nội thất máy bay toàn cầu, vốn đang rất phân mảnh với hàng chục nhà cung cấp nhỏ lẻ ở châu Âu, Mỹ, Singapore.

Xin được nhắc rằng JAMCO sở hữu chuỗi sản xuất toàn diện: từ thiết kế, sản xuất, đến bảo trì (MRO) – một mô hình tích hợp mà ít công ty có thể làm được. Với tiềm lực tài chính từ Bain, JAMCO có thể trở thành trung tâm để thâu tóm các công ty nhỏ hơn tại Đông Nam Á hoặc châu Âu – củng cố vị trí trên toàn cầu.

Từ đó, JAMCO sẽ là "căn cứ sản xuất tiên phong", không chỉ để tạo ra sản phẩm, mà để tái cấu trúc toàn ngành.

Trên thực tế, thương vụ JAMCO là một phần không thể thiếu trong chiến lược mở rộng đầy tham vọng của Bain Capital tại Nhật Bản, nơi họ đặt mục tiêu đầu tư 31 tỷ USD trong 5 năm tới. Bain Capital đã chứng minh khả năng nâng cao giá trị doanh nghiệp tại Nhật Bản thông qua các khoản đầu tư trước đây, như Showa Aircraft Industry.

Chống suy thoái

Với vai trò là quỹ đầu tư lâu năm, Bain Capital thừa hiểu những giá trị mà JAMCO đem lại hơn xa so với việc chỉ là nhà sản xuất buồng vệ sinh cho Boeing và Airbus.

JAMCO không phụ thuộc vào một sản phẩm "bom tấn" mà có dòng sản phẩm trải dài từ buồng vệ sinh, ghế ngồi, đến dịch vụ bảo trì máy bay (MRO). Đặc biệt, mảng MRO mang lại dòng tiền ổn định ngay cả khi các hãng hàng không không đầu tư máy bay mới – giúp JAMCO có "lớp đệm" phòng thủ trong thời kỳ khó khăn.

Xin được nhắc rằng JAMCO là hãng lớn nhất Nhật Bản về bảo trì máy bay và thiết bị, từ máy bay nhỏ đến trực thăng và cabin. Hãng cũng mới mở rộng vào ghế hạng cao (business/first class) cho Boeing 777‑300ER, A350, đồng thời làm console ghế cho Singapore Airlines, ANA.

Hãng sản xuất nhà vệ sinh Nhật Bản với công nghệ hiếm có được quỹ đầu tư nổi tiếng khao khát, chấp nhận bỏ 634 triệu USD thâu tóm khiến giới tài chính bất ngờ- Ảnh 3.

Ngoài ra, mảng nhà bếp trên máy bay cũng là thế mạnh của JAMCO. Các nhà bếp trên máy bay đòi hỏi sự tích hợp công nghệ cao để tối ưu hóa không gian, trọng lượng, hiệu suất hoạt động và an toàn. JAMCO có khả năng thiết kế, sản xuất và tích hợp các hệ thống nhà bếp tiên tiến, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của ngành hàng không.

Điều này lý giải vì sao Bain Capital chấp nhận trả cao hơn 30% so với giá thị trường khi mua lại cổ phần JAMCO, một mức premium không hề nhỏ.

Hàng không là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nhất bởi COVID-19. Nhưng chính điều đó lại làm nổi bật khả năng phục hồi và tiềm năng tăng trưởng của JAMCO.

Ngành hàng không đang trải qua giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, đặc biệt là tại thị trường Châu Á – Thái Bình Dương, được dự báo sẽ chiếm tới 40% lưu lượng hành khách toàn cầu vào năm 2040.

Điều này báo hiệu sự trở lại của chu kỳ đầu tư nội thất máy bay khi các hãng hàng không toàn cầu bước vào giai đoạn làm mới đội bay.

Với vị thế là nhà cung cấp chính trong phân khúc này, JAMCO sẵn sàng hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng tích cực này. Bain Capital, với tầm nhìn chiến lược dài hạn, đã nhận ra tiềm năng tăng trưởng bùng nổ của JAMCO trong bối cảnh thị trường đang "khát" các giải pháp nội thất máy bay chất lượng cao.

Trong năm tài khóa 2024, doanh thu JAMCO tăng gần 23%, đạt 79 tỷ Yên (gần 565 triệu USD), còn lợi nhuận hoạt động tăng hơn gấp 3 lần. Biên lợi nhuận gộp ở mức khoảng 21–25%, thể hiện năng lực kiểm soát chi phí và sản lượng xuất khẩu ổn định.

Thay vì đầu tư vào một công ty tăng trưởng theo mô hình ngắn hạn, Bain Capital chọn đặt cược vào một chu kỳ ngành kéo dài cả thập kỷ, với JAMCO là mắt xích ổn định và sinh lời.

Đối với nhiều người, JAMCO chỉ là một nhà cung cấp thiết bị máy bay. Nhưng với Bain Capital, JAMCO là một kết cấu vô hình giữ cho ngành hàng không vận hành trơn tru.

Rõ ràng Bain không chỉ mua một công ty, họ mua quyền kiểm soát một điểm chốt trong tương lai của cả ngành hàng không.

*Nguồn: JAMCO IR, Bain Capital Press, Nikkei, WSJ, Aircraft Interiors International

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/hang-san-xuat-nha-ve-sinh-nhat-ban-voi-cong-nghe-hiem-co-duoc-quy-dau-tu-noi-tieng-khao-khat-chap-nhan-bo-634-trieu-usd-thau-tom-khien-gioi-tai-chinh-bat-ngo-a249570.html