UAE vừa ghi nhận đạt nhiệt độ kỷ lục hơn 50 độ C trong tháng 5 vào ngày 23-5 vừa qua - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, ngày 23-5 vừa qua, Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE (NCM) ghi nhận mức nhiệt kỷ lục 50,4 độ C tại khu vực Al Shawamekh ở thủ đô Abu Dhabi - vượt qua kỷ lục cũ là 50,2 độ năm 2009.
Thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu
Với khí hậu sa mạc, UAE thường xuyên trải qua thời tiết nắng nóng cực đoan, được ví như lò nướng trong các tháng hè. Nhưng năm nay nhiệt độ đã tăng cao bất thường, ngay cả trước khi mùa hè bắt đầu.
Dù đã quen với nắng nóng, nhiều người dân UAE vẫn không thể chịu nổi cái nắng hôm 23-5 - Ảnh: THE NEW ARAB
Nắng nóng cực đoan khiến nhiều người dân cảm thấy choáng váng, ngất xỉu ngay cả khi đã quen với thời tiết khắc nghiệt. Thậm chí nhiệt độ cao hôm 23-5 còn đi kèm với độ ẩm lên tới 80% ở một số khu vực, làm gia tăng cảm giác ngột ngạt và nguy cơ sốc nhiệt cho người dân.
Một cư dân 26 tuổi ở tại thủ đô cho biết anh đến nhà thờ trễ, nên phải cầu nguyện ngoài trời và cảm thấy như sắp ngất khi buổi lễ kết thúc.
“Tôi ướt đẫm mồ hôi khi kết thúc buổi cầu nguyện. Thời tiết cực kỳ nóng, không thể chịu nổi”, người này cho biết.
Tại Dubai, anh Mohammed Juma (31 tuổi) kể lại đã chứng kiến một người đàn ông lảo đảo bên đường trước khi ngồi gục xuống vì nắng nóng. Ông Youssef (45 tuổi), người điều hành khinh khí cầu chở khách du lịch ở Dubai, cũng cho biết độ ẩm cao khiến ông cảm thấy “không còn oxy để thở” và "hoàn toàn không thể làm được bất kỳ việc gì".
Trước tình hình trên, NCM đã khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp an toàn bảo vệ sức khỏe như ở yên trong nhà, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, uống nhiều nước, mặc trang phục phù hợp và sử dụng kem chống nắng để hạn chế tác hại từ thời tiết cực đoan.
UAE là một trong những quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, nhưng cũng đầu tư mạnh mẽ vào năng lượng tái tạo. UAE cũng từng tổ chức Hội nghị khí hậu COP28 vào năm 2023.
Theo báo cáo năm 2024 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 83,6% lao động ở các quốc gia Ả Rập bị phơi nhiễm nhiệt quá mức do tiếp xúc với nhiệt độ quá cao khi làm việc ngoài trời - tỉ lệ cao nhất trên thế giới.
Trước đó hồi tháng 6-2024, hơn 1.300 người thiệt mạng trong lúc hành hương Hajj tại Saudi Arabia - phần lớn là những người hành hương không được cấp phép - do phải chịu đựng thời tiết nắng nóng gay gắt ngoài trời trong thời gian dài.
Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/chua-he-uae-da-nong-nhu-lo-nuong-toi-504-do-c-a240282.html