Hàng giả trong lĩnh vực y tế: Có sự móc nối với cơ quan chức năng

() - Thời gian vừa qua, cơ quan công an liên tục phát hiện nhiều vụ sữa, thuốc, thực phẩm chức năng giả. Điều này khiến dư luận lo lắng và đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý.

Các thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc diễn ra sáng 23/5 về phòng chống buôn bán hàng giả, gian lận thương mại trong lĩnh vực y tế, Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an, cho biết, từ đầu năm đến nay, riêng về tội phạm sản xuất buôn bán hàng giả, cơ quan công an đã khởi tố 6 vụ án. 

Hàng giả trong lĩnh vực y tế: Có sự móc nối với cơ quan chức năng - 1

Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an (Ảnh: T.D).

Bước đầu cơ quan công an xác định 8 nhóm thủ đoạn:

-  Lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm, đăng ký tiêu chuẩn hàm lượng cao nhưng sản xuất không đúng tiêu chuẩn công bố.

- Thổi phồng tính năng công dụng, lừa dối người tiêu dùng nhằm mục đích trục lợi.

- Thành lập nhiều doanh nghiệp, đăng ký tại nhiều địa điểm khác nhau, nhập nguyên liệu, nhà máy sản xuất, đăng ký sản phẩm, truyền thông, phân phối…, hoạt động khép kín để hợp thức, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

- Có sự câu kết, móc nối với cơ quan chức năng, đơn vị liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như cung cấp phiếu kiểm nghiệm khống để hợp thức hóa thủ tục xin công bố sản phẩm.

"Vừa rồi, cơ quan công an đã khởi tố 5 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), chúng tôi tiếp tục điều tra mở rộng tiếp", đại diện C03 nói.

- Giảm số lỗi khi cấp phép giấy chứng nhận nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng theo tiêu chuẩn GMP, cấp hồ sơ công bố sản phẩm.

- Hạn chế trong công tác hậu kiểm.

Ngoài ra, cũng có một số tồn tại, vướng mắc, bất cập trong các văn bản pháp luật liên quan lĩnh vực dược, an toàn thực phẩm.

Bộ Y tế nêu 5 lý do dẫn đến hàng loạt vụ thuốc, thực phẩm chức năng giả

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cũng cho rằng nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả thời gian vừa qua là do lĩnh vực này mang lại lợi nhuận rất cao.

Vấn đề ở đây là ý thức của doanh nghiệp, lợi dụng sự thông thoáng của các văn bản, vi phạm pháp luật, vì lợi nhuận mà bất chấp lợi ích, sức khỏe của người dân, cố tình làm hàng giả đưa ra thị trường với mục đích lợi nhuận.

Hàng giả trong lĩnh vực y tế: Có sự móc nối với cơ quan chức năng - 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên (Ảnh: Trần Minh).

"Doanh nghiệp khi làm hồ sơ đăng ký, gửi mẫu kiểm định ban đầu rất giỏi nhưng khi sản xuất lô hàng đó lại là hàng giả. Vì lợi nhuận, doanh nghiệp đã bỏ qua phòng kiểm định chất lượng, đưa ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo chất lượng", Thứ trưởng Tuyên phân tích.

Thứ hai là vấn đề ý thức của người dân trong tố giác tội phạm còn hạn chế, người dân vẫn còn có thói quen tiện đâu mua đó.

Thứ ba, việc thực hiện chức năng quản lý trên địa bàn của địa phương còn hạn chế, chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai các hoạt động thanh kiểm tra.

Thứ tư, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin để quản lý thống nhất thuốc, thực phẩm chức năng chưa hoàn thiện nên vấn đề theo dõi giám sát rất khó.

Thứ năm, còn một số cán bộ, công chức chưa thực hiện hết đạo đức nghề nghiệp, chức trách nhiệm vụ được giao nên còn để xảy ra một số vi phạm. Vừa qua cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ việc.

Liên quan đến các cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết thêm, đối tượng cầm đầu đường dây không trực tiếp tham gia sản xuất, chỉ đạo nhân viên, thuê nơi sản xuất ở vị trí vắng vẻ, xa trung tâm.

Nhiều đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng nhiều trường hợp vẫn tái phạm do lĩnh vực này đem lại lợi nhuận cao. Qua kiểm tra đột xuất thời gian vừa qua, TP nhận thấy nhiều cơ sở kinh doanh dược, thiết bị có sự chuẩn bị, đề phòng trước nên đã chuyển hàng hóa đi nơi khác cất giấu.

Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, facebook, zalo diễn ra phức tạp. Các đối tượng tạo tài khoản giả, khó xác định nơi chứa hàng hóa vi phạm để kiểm tra xử lý, khó xác định chủ thể hành vi vi phạm, khó khăn trong việc xử lý vi phạm hành chính…

Vì thế, ông cho rằng cần có hình phạt thích đáng với các sai phạm này, làm sao đủ sức răn đe.

Đại diện Hòa Bình cũng thừa nhận thời gian qua dù đã cố gắng nỗ lực nhưng công tác hậu kiểm còn nhiều bất cập. Hàng năm tỉnh có tổ chức các đoàn đi kiểm tra, lấy mẫu nhưng không thể xác định được hàng giả, chủ yếu kiểm tra các chỉ số về an toàn thực phẩm, vi sinh…, không kiểm tra về chất lượng.

Nguồn lực thực hiện cũng còn hạn chế, trong khi các đối tượng sản xuất hàng giả rất tinh vi, không ở siêu thị, cửa hàng trên địa bàn mà bán trên sàn thương mại điện tử, giới thiệu sản phẩm…

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/hang-gia-trong-linh-vuc-y-te-co-su-moc-noi-voi-co-quan-chuc-nang-a240007.html