Không có chuyện phong tỏa, cách ly tập trung vì Covid-19

() - Các chuyên gia đều khẳng định Covid-19 hiện nay tương tự cảm cúm thông thường. Virus gây bệnh không có độc lực cao, không có khả năng gây nguy hiểm.

Không có chuyện cách ly tập trung, phong tỏa

Chia sẻ về tình hình Covid-19 gần đây, PGS.TS Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TPHCM nhận định, số ca bệnh tăng chỉ là diễn biến theo chu kỳ thời tiết, không có dấu hiệu xuất hiện biến thể nguy hiểm mới.

"Virus cũng thuộc chủng Omicron lây lan nhanh nhưng mà độc lực thấp nên cũng không gây nguy hiểm tới cộng đồng", bác sĩ Ngọc nhận định.

Ngoài ra, miễn dịch cộng đồng hiện nay đã tương đối vững, hệ thống y tế đã có kinh nghiệm và đủ sức đối phó, mọi người không nên quá hoang mang.

Do đó, theo chuyên gia này, việc Bộ Y tế ra công văn gần đây không có nghĩa là dịch đang nguy hiểm trở lại hay sắp có những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt như xét nghiệm tập thể hay cách ly tập trung như trong giai đoạn cao điểm.

"Đây chỉ là hướng dẫn để các bệnh viện chủ động sàng lọc, phân luồng và hạn chế lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế", ông nhấn mạnh.

Không có chuyện phong tỏa, cách ly tập trung vì Covid-19 - 1

Các chuyên gia khẳng định, tình hình dịch Covid-19 thời điểm này không nghiêm trọng, sẽ không có tình trạng xét nghiệm tập thể hay cách ly tập trung như khi đỉnh dịch (Ảnh minh họa)

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, cũng cho rằng không có chuyện dịch sẽ bùng phát trở lại và phải áp dụng cách ly. 

Ông nhấn mạnh, hiện nay, Covid-19 không khác cảm cúm thông thường. Quan trọng là phần lớn người dân hiện nay đã có miễn dịch nền nên nguy cơ chuyển nặng là rất thấp. Do đó, người dân cần tỉnh táo, không hoang mang trước những tin đồn hoặc suy diễn trên mạng xã hội.

Chia sẻ thêm, các chuyên gia đều nhấn mạnh, hiện nay, Covid-19 hiện được xếp vào các bệnh truyền nhiễm nhóm B đã có thể kiểm soát. Với người trẻ, có sức khỏe tốt, không mắc bệnh nền, triệu chứng thường thoáng qua và tự khỏi trong vòng 5-7 ngày.

Tuy nhiên, đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người già, người có bệnh nền, đặc biệt khi mắc đồng thời với virus cúm hoặc vi khuẩn phế cầu, bệnh vẫn có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng.

Khi phát hiện triệu chứng mắc bệnh, những người nguy cơ cao nên đi khám để có phương án điều trị sớm.

Những trường hợp trẻ khỏe không có triệu chứng nặng, chỉ sổ mũi nhức đầu hay sốt nhẹ có thể điều trị bằng thuốc giảm triệu chứng và có thể nghỉ vài ngày tại nhà để giảm lây lan cho cộng đồng nơi làm việc.

Bên cạnh đó, người dân cũng nên mang khẩu trang khi đến nơi đông người, tăng cường vệ sinh tay và tránh tiếp xúc với các bề mặt khi không cần thiết để tránh lây lan.

Ngoài ra, việc tiêm vaccine Covid-19 không còn được triển khai đại trà như trước, nhưng những người chưa tiêm đủ liều, người cao tuổi hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu vẫn được khuyến khích tiêm bổ sung để tăng cường bảo vệ.

Điểm chung của dịch Covid-19 tại các quốc gia từ đầu 2025

Từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều quốc gia Đông Nam Á ghi nhận sự gia tăng trở lại của các ca mắc Covid-19, tuy không tạo thành làn sóng dịch lớn như trước.

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến tháng 5/2025 chỉ ghi nhận khoảng 150 ca mắc Covid-19 tại 27 tỉnh thành, không ghi nhận ca tử vong hay các ổ dịch tập trung, nhưng có sự gia tăng nhẹ trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần. 

Các ca bệnh chủ yếu liên quan đến biến thể phụ của Omicron như JN.1, XBB.1.5, NB.1.8, vốn có khả năng lây lan nhanh nhưng ít gây triệu chứng nghiêm trọng. Các trường hợp được phát hiện chủ yếu qua sàng lọc ngẫu nhiên và có triệu chứng nhẹ.

Không có chuyện phong tỏa, cách ly tập trung vì Covid-19 - 2

Các ca mắc Covid-19 gần đây hầu như không có biểu hiện nặng, được phát hiện qua sàng lọc ngẫu nhiên và có triệu chứng nhẹ.

Tại Thái Lan, hơn 41.000 ca được ghi nhận chỉ tính đến đầu tháng 5, chủ yếu do biến thể JN.1 và các dòng phụ như LF.7, NB.1.8 gây ra. Singapore cũng báo cáo hơn 14.000 ca mắc trong một tuần đầu tháng 5, tăng gần 30% so với tuần trước đó.

Đặc điểm chung của các ca bệnh hiện nay là triệu chứng nhẹ, không cần nhập viện, không gây quá tải hệ thống y tế. Hầu hết bệnh nhân chỉ có biểu hiện như sốt, ho, mệt mỏi, không phát hiện trường hợp tử vong được báo cáo trong giai đoạn gần đây tại Thái Lan, Singapore hay Malaysia.

Sự tái xuất hiện của dịch bệnh được cho là có liên quan đến hiện tượng suy giảm miễn dịch sau tiêm vaccine, đặc biệt ở người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền. Ngoài ra, việc di chuyển, tụ tập đông người sau lễ tết, du lịch cũng góp phần làm tăng nguy cơ lây lan virus.

Các biến thể gây bệnh đều thuộc nhóm Omicron, trong đó JN.1 và các dòng phụ được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp vào nhóm cần theo dõi với mức nguy cơ thấp.

Dù vậy, giới chuyên gia khuyến cáo các quốc gia không nên chủ quan, cần tiếp tục duy trì hệ thống giám sát, tăng cường truyền thông cộng đồng và chuẩn bị sẵn sàng phương án thu dung, điều trị nếu tình hình chuyển biến phức tạp hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, người dân cần gia tăng các biện pháp phòng ngừa Covid-19 cơ bản như đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, tích cực rửa tay… 

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/khong-co-chuyen-phong-toa-cach-ly-tap-trung-vi-covid-19-a239754.html