"Bộ tứ trụ cột" giúp Việt Nam cất cánh

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh "bộ tứ trụ cột" - 4 Nghị quyết 57, 59, 66 và 68 của Bộ Chính trị - có mối quan hệ tác động lẫn nhau

 Tổng Bí thư nói rằng muốn đạt hiệu quả cao nhất phải triển khai đồng bộ.

Sáng 18-5, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng, thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Hội nghị được tổ chức trực tiếp ở Hội trường Diên Hồng - Nhà Quốc hội và trực tuyến tới 37.000 điểm cầu từ trung ương tới cấp xã với hơn 1,5 triệu đại biểu tham dự.

Nghĩ lớn, hành động lớn, cải cách lớn

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh với những chuyển biến chưa từng có trên phạm vi toàn cầu, sự bùng nổ của khoa học - công nghệ và những thách thức, ai nắm được cơ hội, vượt qua thách thức sẽ thành công; ngược lại thì sẽ rơi vào hoàn cảnh "trâu chậm uống nước đục".

Nhấn mạnh mệnh lệnh từ tương lai dân tộc, Tổng Bí thư cho biết đến nay, có thể xem 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68) là "bộ tứ trụ cột" giúp Việt Nam cất cánh.

Tổng Bí thư kêu gọi toàn hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chung tay, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, biến khát vọng thành hành động, biến tiềm năng thành sức mạnh thực tế, cùng nhau đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam.

Dẫn bối cảnh quốc tế hiện nay, Tổng Bí thư cho rằng những thách thức nội tại và bên ngoài buộc chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm và mô hình phát triển. Chúng ta cần một cuộc cải cách toàn diện, sâu sắc và đồng bộ, với những đột phá về thể chế, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và tổ chức bộ máy.

"Muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất" - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư đã điểm lại những tinh thần cốt lõi nhất của 4 nghị quyết "bộ tứ trụ cột". Tổng Bí thư cho rằng 4 nghị quyết này có mối quan hệ tác động lẫn nhau, muốn đạt hiệu quả cao nhất phải triển khai đồng bộ.

"Bộ tứ trụ cột" giúp Việt Nam cất cánh- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đại biểu tham quan triển lãm “Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân”. Ảnh: HỒ LONG

Nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới (2025 - 2030), cũng như nhiệm vụ cấp bách trong năm 2025, Tổng Bí thư đề nghị toàn hệ thống chính trị khẩn trương thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện 4 nghị quyết nêu trên, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và phân công cụ thể; đồng thời lập bộ chỉ số theo dõi, đánh giá định kỳ.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát toàn diện hệ thống pháp luật; triển khai sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định bất cập theo tinh thần Nghị quyết 66. Ưu tiên sửa đổi các quy định liên quan quyền sở hữu tài sản, tự do kinh doanh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; nghiên cứu ban hành Luật Phát triển kinh tế tư nhân. Khởi động ngay các chương trình trọng điểm về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hình thành thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo; xây dựng khung pháp lý cho mô hình sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới). Thực hiện đột phá việc cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, số hóa dịch vụ công; hỗ trợ vốn, công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa; xây dựng đề án phát triển tập đoàn tư nhân lớn.

Phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 68 và kế hoạch hành động của Chính phủ. Từ thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh bài học về đổi mới tư duy, nâng cao vai trò kiến tạo của Nhà nước, xóa bỏ mọi rào cản, đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân.

"Phải bảo đảm kinh tế tư nhân được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; có cơ chế, chính sách, giải pháp vượt trội, đột phá để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực" - Thủ tướng nhìn nhận.

Thủ tướng cho rằng cần ưu tiên, hỗ trợ các DN lớn, tiên phong mang tính dẫn dắt, hỗ trợ DN tư nhân vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc tế. "Cùng một cái áo sản xuất như vậy nhưng chỉ cần thương hiệu khác nhau là giá chênh nhau hàng chục lần" - Thủ tướng lưu ý.

Đề cập Nghị quyết 68, Thủ tướng khái quát 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá, trong đó xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Nhấn mạnh cần phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu trên phạm vi cả nước, Thủ tướng nêu rõ: "Thương trường là chiến trường"; cần tạo động lực, truyền cảm hứng cho các "chiến sĩ" trên mặt trận kinh tế cống hiến vì đất nước.

Theo Thủ tướng, nội dung trọng tâm của các nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 68 là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với việc phát triển kinh tế tư nhân hiện nay: Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách; bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân; đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật; xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho".

Thủ tướng nêu rõ khi DN tư nhân để xảy ra sai phạm, cần phải ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; cho phép DN được chủ động khắc phục thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước...

Dứt khoát bỏ tư duy "không quản được thì cấm"

Cũng tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo chuyên đề về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết 66 và kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết này.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải quán triệt sâu sắc 5 quan điểm chỉ đạo đã được xác định tại Nghị quyết 66. Trong đó, phải xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là "đột phá của đột phá" trong việc hoàn thiện thể chế nhằm phát triển đất nước.

Việc xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước; dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". 

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: "Hãy cùng nhau thắp lên ngọn lửa đổi mới - khát vọng - hành động, vì một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu vào năm 2045".

Phát biểu bế mạc hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương - nhấn mạnh Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 có ý nghĩa cách mạng, đột phá, thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tinh thần và nội dung hội nghị trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; khẩn trương cụ thể hóa, đưa các quan điểm chỉ đạo, định hướng thành hành động cụ thể.

Doanh nghiệp "nắng hạn gặp mưa rào"

Tại hội nghị, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày những quan điểm của Chính phủ về kinh tế tư nhân, rất nhiều lãnh đạo DN tư nhân lớn của đất nước có mặt tại Hội trường Diên Hồng đã đồng loạt vỗ tay.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco, ví von DN có được Nghị quyết 68 như "nắng hạn gặp mưa rào". "Bao năm nay, DN tư nhân bức xúc, khó chịu, muốn cống hiến nhưng không làm được, nhiều lúc bị "bó tay, bó chân", nay đã được "giải phóng" nhờ Nghị quyết 68"- ông Tiền bày tỏ.

Ông Tiền kiến nghị giao một cơ quan độc lập thực hiện giám sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tuân thủ và thực thi của các bộ, ngành, địa phương. Đây cũng sẽ là kênh tiếp nhận kiến nghị của DN để gửi lên Tổng Bí thư và Thủ tướng.


Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/bo-tu-tru-cot-giup-viet-nam-cat-canh-a238888.html