Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra một loạt chính sách có lợi cho doanh nghiệp trong Nghị quyết 68

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết 68/NQ-TW đã đề ra khoảng 80 nhóm chính sách, trong đó có một nhóm chính sách quy định rất rõ ràng các vấn đề liên quan đến việc tiếp cận nguồn lực.

Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chỉ ra một loạt chính sách có lợi cho doanh nghiệp trong Nghị quyết 68- Ảnh 1.

Nghị quyết 68 đã đề ra khoảng 80 nhóm chính sách ưu tiên liên quan đến việc tiếp cận nguồn lực.

Cụ thể, đối với vấn đề đất đai, mặt bằng sản xuất – một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay, Nghị quyết quy định rằng mỗi một địa phương phải dành ra một quỹ đất tương ứng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, với diện tích khoảng 20 ha, hoặc tối thiểu là 5% quỹ đất sạch đã được đầu tư hạ tầng, để dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp này sẽ được giảm 30% tiền thuê đất trong thời hạn 5 năm. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng mà thực hiện việc cung cấp đất và giảm giá đất cho các đối tượng ưu tiên này, họ sẽ được khấu trừ vào số tiền thuế đất phải nộp. Đây là giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể tiếp cận được với đất đai, giải quyết tình trạng trước đây khi các doanh nghiệp hạ tầng chủ yếu ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn thuê trọn gói, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhu cầu và năng lực hạn chế hơn khó tiếp cận.

Mặc dù trước đây, Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế cũng đã có quy định về việc dành một tỉ lệ nhất định (3% hoặc 5% diện tích) cho doanh nghiệp nhỏ, nhưng việc thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Lần này, Nghị quyết quy định cụ thể hơn, mang tính đột phá hơn.

Một vấn đề khác mà doanh nghiệp rất quan tâm là tiếp cận vốn. Nghị quyết cũng quy định rõ rằng phải xây dựng cơ chế, chính sách, có một kênh tín dụng thương mại dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), doanh nghiệp mới thành lập và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đồng thời, phải có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp này khi cần thiết, có thể thông qua các quỹ hỗ trợ của nhà nước, giúp họ vừa tiếp cận được vốn, vừa giảm được chi phí vốn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chúng ta cũng mạnh dạn đưa ra cơ chế cho phép sử dụng các hình thức bảo đảm linh hoạt hơn như tín chấp, hoặc tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai, để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đối tượng thường thiếu tài sản thế chấp theo kiểu truyền thống – có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Trước đây, việc này rất khó khăn, lãi suất lại cao. Nghị quyết đã mở rộng các quy định để các ngân hàng thương mại có thể xem xét, cho vay một cách thuận lợi hơn và với chi phí thấp hơn…

Về các biện pháp về tài chính, Nghị quyết chủ trương bãi bỏ lệ phí môn bài. Bên cạnh đó, cho phép các doanh nghiệp mới thành lập được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động, đồng thời miễn tiền thuê nhà xưởng trong 3 năm đầu.

Bên cạnh đó, một số vấn đề mà Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có tác động hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp và khu vực doanh nghiệp này. Đó là Nhà nước phải đảm bảo vai trò kiến tạo cho sự phát triển và không được can thiệp bằng các biện pháp hành chính làm trái với các nguyên tắc của thị trường, làm méo mó các nguyên tắc của kinh tế thị trường.

Liên quan đến việc cắt giảm các thủ tục hành chính và tạo dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, Nghị quyết quy định rất cụ thể: Ngay trong năm 2025, phải đảm bảo cắt giảm được ít nhất 30% thời gian xử lý các thủ tục hành chính, 30% các điều kiện kinh doanh và 30% chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Về yêu cầu triển khai, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rằng sau khi Nghị quyết 68/NQ-TW được ban hành, phải triển khai cụ thể ngay, phải tổ chức thực hiện ngay và nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Do đó, ngay trong một vài ngày tới, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Tài chính – cơ quan được giao chủ trì xây dựng đề án này – sẽ trình Chính phủ chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết, đồng thời dự thảo một Nghị quyết của Quốc hội để thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68.

“Chúng ta cũng sẽ sớm tổ chức Hội nghị quán triệt toàn quốc về Nghị quyết quan trọng này”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/pho-thu-tuong-nguyen-chi-dung-chi-ra-mot-loat-chinh-sach-co-loi-cho-doanh-nghiep-trong-nghi-quyet-68-a237757.html