Thị trường hồi hộp chờ báo cáo CPI Mỹ công bố hôm nay: Lạm phát dự kiến ‘ngấm’ đòn thuế quan, Fed càng không vội cắt giảm lãi suất

Các chuyên gia dự đoán tác động lớn vẫn còn chờ phía trước.

Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 dự kiến sẽ cho thấy người tiêu dùng Mỹ bắt đầu cảm nhận được tác động từ cuộc chiến thương mại do Tổng thống Donald Trump khởi xướng. Tuy nhiên, có thể mất vài tháng nữa ảnh hưởng toàn diện của các đợt tăng thuế nhập khẩu mới bộc lộ rõ.

Theo ước tính từ FactSet, CPI tháng 4 được dự báo tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) cũng được dự báo tăng 0,3% trong tháng và tăng 2,8% theo năm. Trước đó, CPI tháng 3 giảm nhẹ 0,1%, lần đầu tiên ghi nhận mức giảm kể từ năm 2020, chủ yếu do giá năng lượng giảm.

Thị trường hồi hộp chờ báo cáo CPI Mỹ công bố hôm nay: Lạm phát dự kiến ‘ngấm’ đòn thuế quan, Fed càng không vội cắt giảm lãi suất- Ảnh 1.

CPI toàn phần (tím), CPI lõi (xanh)

Các chuyên gia của Bank of America nhận định thuế quan có thể đã góp phần tạo ra áp lực lạm phát nhất định trong tháng 4. Họ đồng thời cảnh báo lạm phát những tháng tới sẽ còn tăng do tác động của thuế quan.

Lạm phát sẽ tăng nhưng điều tệ nhất vẫn chưa xảy ra

Chuyên gia kinh tế trưởng Vincent Reinhart của BNY Asset Management cho rằng yếu tố khiến thuế quan chưa phản ánh ngay vào chỉ số lạm phát là do loại hàng hoá bị áp thuế. Phần lớn thuế đánh lên các mặt hàng trung gian, chưa trực tiếp xuất hiện trong giỏ tiêu dùng của hộ gia đình.

Tuy nhiên, báo cáo CPI tháng 4 có thể sẽ là dữ liệu kinh tế đầu tiên cho thấy ảnh hưởng trực tiếp từ thương chiến. Theo UBS, đợt thuế quan đầu tiên của chính quyền ông Trump có hiệu lực từ đầu tháng 2 (mức tăng 10 điểm phần trăm đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 4/2). Vì vậy tác động ban đầu có thể đã xuất hiện trong số liệu tháng 4.

UBS cho rằng từ tháng 5 đến tháng 10, các báo cáo CPI sẽ phản ánh rõ hơn ảnh hưởng từ cả đợt thuế đầu tiên và các đợt tăng thuế bổ sung.

“Tác động lớn nhất sẽ là áp lực trực tiếp lên CPI lõi, trước tiên là ở nhóm hàng hóa phi giao thông vận tải. Trong CPI 4, chúng tôi dự đoán giá nhóm hàng hóa này sẽ tăng mạnh nhất trong hơn hai năm qua”, UBS cho biết.

UBS cũng lưu ý rằng tác động của thuế quan chậm xuất hiện còn do các doanh nghiệp vẫn đang tiêu thụ hàng tồn kho trước khi chuyển sang tăng giá bán. Nhiều công ty đã tăng dự trữ trước thời điểm áp thuế, góp phần khiến thâm hụt thương mại Mỹ chạm mức kỷ lục trong tháng 3.

Fed tạm dừng hành động

Sau cuộc họp tháng 5, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất. Chủ tịch Jerome Powell nhấn mạnh sự bất định từ chính sách thuế là một trong những lý do chính khiến Fed thận trọng.

“Mỗi tuần, mỗi tháng trôi qua, chúng ta sẽ biết rõ hơn các mức thuế cuối cùng sẽ ra sao... và chỉ khi đó chúng ta mới đánh giá được tác động thực sự. Hiện tại, chờ đợi và quan sát là lựa chọn hợp lý”, ông nói.

Thị trường hồi hộp chờ báo cáo CPI Mỹ công bố hôm nay: Lạm phát dự kiến ‘ngấm’ đòn thuế quan, Fed càng không vội cắt giảm lãi suất- Ảnh 2.

Thị trường dự đoán 86% khả năng Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6. Đồng thời, thị trường cũng kỳ vọng xác suất khoảng 60% Fed cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong tháng 7. Lãi suất hiện đang nằm trong phạm vi 4,25% – 4,50%.

Tham khảo MarketWatch

Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/thi-truong-hoi-hop-cho-bao-cao-cpi-my-cong-bo-hom-nay-lam-phat-du-kien-ngam-don-thue-quan-fed-cang-khong-voi-cat-giam-lai-suat-a237546.html