Ở tuổi 13, Quang (tên nhân vật đã được thay đổi), sống tại Hà Nội, được bố mẹ đưa đến viện khám tâm lý vì sống khép kín, ít giao tiếp, thường xuyên mất ngủ và có dấu hiệu bỏ học.
Câu chuyện được chia sẻ bởi ThS Hoàng Quốc Lân, chuyên gia tâm lý lâm sàng trực tiếp thăm khám cho bệnh nhi, hé lộ một sự thật âm thầm tồn tại trong xã hội: Dù không bị bạo lực hay thiếu thốn vật chất, em vẫn rơi vào trầm cảm nhẹ vì... cô đơn trong chính gia đình của mình.
Tuổi thơ "trống rỗng" giữa sự đầy đủ
Quang kể với chuyên gia, tuổi thơ của em gắn với những lần sang ăn cơm "ké" nhà hàng xóm vì nhà vắng người.
Cuối tuần, bố mẹ chỉ để lại ít tiền rồi dặn "muốn ăn gì thì tự mua". Gia đình gần như không ăn cơm chung, mỗi người một giờ sinh hoạt, những lúc có mặt đầy đủ cũng là khi tiếng ti vi, âm thanh dao đũa lấn át mọi lời nói.
Những bữa cơm gia đình của Quang thiếu đi hơi ấm (Ảnh: Getty).
Câu hỏi hiếm hoi từ bố: "Dạo này học hành thế nào?" chỉ nhận được câu trả lời gọn lỏn của Quang: "Bình thường".
Cậu bé từng cố chia sẻ nỗi buồn, nhưng mẹ nói: "Có gì phải buồn?", còn bố thì gạt đi: "Lớn rồi, tự lo". Những lần như vậy khiến em không muốn mở lời thêm.
Theo ThS Lân, Quang là một trường hợp điển hình của hội chứng thiếu hụt cảm xúc thời thơ ấu - Childhood Emotional Neglect (CEN).
Đây là trạng thái xảy ra khi trẻ không nhận được sự phản hồi cảm xúc phù hợp từ cha mẹ, dù sống trong điều kiện vật chất đủ đầy. Trẻ dần tin rằng cảm xúc của mình không quan trọng, từ đó hình thành thói quen thu mình, tự chịu đựng mọi chuyện.
"Nghèo cảm xúc" - căn bệnh của thời hiện đại
Trong xã hội hiện đại, nhiều trẻ em lớn lên với "điều kiện sống lý tưởng" nhưng lại phải đối mặt với một dạng nghèo đói khác: thiếu kết nối cảm xúc. Cha mẹ bận rộn, mải mê chạy theo thành công vật chất, thường vô tình bỏ rơi đời sống tinh thần của con trẻ.
ThS Hoàng Quốc Lân, chuyên gia tâm lý lâm sàng (Ảnh: Chuyên gia cung cấp).
Họ trao cho con sự tự do, không can thiệp, nghĩ đó là cách thể hiện tình yêu văn minh. Nhưng chính sự vắng mặt về mặt cảm xúc lại khiến con cảm thấy lạc lõng. Khi không được lắng nghe hay công nhận cảm xúc, trẻ dễ rơi vào trạng thái cô đơn, lo âu, buồn bã kéo dài.
Không ít trẻ tìm kiếm sự kết nối qua mạng xã hội, các thiết bị điện tử - nơi đầy rẫy thông tin tiêu cực. Việc liên tục chứng kiến hình ảnh "gia đình hạnh phúc" của người khác đôi khi chỉ càng làm dày thêm cảm giác thiệt thòi và tự ti.
Cha mẹ cần làm gì?
Không phải sự hiện diện vật lý, mà chính là sự hiện diện cảm xúc mới là điều trẻ cần nhất.
Theo ThS Lân, điều quan trọng là cha mẹ cần tạo dựng không gian an toàn để trẻ được chia sẻ cảm xúc, dù là buồn vui nhỏ nhặt. Hãy bắt đầu từ những câu hỏi cụ thể như: "Hôm nay ở trường có gì khiến con vui?", thay vì chỉ hỏi "Học hành thế nào?".
Hãy để trẻ thấy rằng cảm xúc của mình được trân trọng, thay vì bị đánh giá là "linh tinh". Đừng vội phán xét hay áp đặt giải pháp khi con đang cần được lắng nghe.
Sự đồng hành không đến từ những chuyến du lịch đắt tiền, mà từ những điều nhỏ bé: bữa cơm đúng giờ, một lần cùng con xem chương trình yêu thích, hay cái ôm vào lúc con mệt mỏi.
"Một lời nói vô tâm có thể trở thành vết sẹo, nhưng một lời an ủi đúng lúc có thể là nhịp cầu đưa con thoát khỏi bóng tối", chuyên gia nhấn mạnh.
Link nội dung: https://www.businessinvestmentvn.com/cau-be-tram-cam-vi-nhung-bua-com-nguoi-lanh-cam-xuc-a237440.html